"Tôi yêu Arsenal và không bao giờ muốn rời khỏi đây. Tất cả những gì tôi muốn là được gắn bó với đội bóng này một thời gian dài", Alex Song nói vào năm 2012. Người hâm mộ Pháo thủ đã tin lời tiền vệ được HLV Arsene Wenger đưa về khi còn vô danh, và sau 7 mùa giải, biến anh ta thành một ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Nhưng tất cả chỉ là dối trá. Ít ngày sau, Song ra mắt tại Barcelona. Giải thích cho hành động này, anh nói rằng Ban lãnh đạo Arsenal liên tục trì hoãn gia hạn hợp đồng, và rằng tiền bạc không đóng vai trò gì trong quyết định của anh.
Rốt cuộc, đây cũng là lời nói dối. Mới đây, trong cuộc nói chuyện trực tiếp trên Instagram, Song thú nhận, anh tới Barca đơn giản vì tiền.
"Khi Barca đưa ra lời đề nghị và tôi biết mình sẽ kiếm được bao nhiêu ở đó, tôi đồng ý ngay lập tức. Ngay cả khi Giám đốc Thể thao Barca cho biết tôi sẽ không được ra sân nhiều, tôi cũng chẳng quan tâm. Điều duy nhất khiến tôi bận tâm là mình đã trở thành triệu phú", Song nói.
"Tôi ở Arsenal 8 năm, nhưng chỉ sống tốt trong 4 năm cuối bởi mức lương mới. Hồi mới tới tôi chỉ nhận 15.000 bảng, vậy mà số tiền ấy cũng khiến tôi ngất ngây. Như hầu hết các cầu thủ, tôi luôn chi tiêu vượt quá khả năng. Tôi muốn sống như các đàn anh, muốn tham gia vào các bữa tiệc và mua mọi thứ tôi thích.
Như một lần tôi tới sân tập và nhìn thấy Thiery Henry bước ra từ chiếc xe khủng, tôi thích nó mê mệt và quyết có nó bằng mọi giá. Vậy là tôi tới đại lý và đặt một chiếc y hệt. Nhưng chỉ sau 2 tháng, tôi khốn khổ vì việc đổ xăng. Tất cả tiền của tôi dành cho nó. Tôi đành mang trả và mang về một chiếc Toyota. Khi Henry hỏi xe mới đâu nhóc, tôi đáp, nó quá sức với em".
Alex Song nói rằng trong ngần ấy năm ở Arsenal, anh không tiết kiệm nổi 100.000 bảng. Đó là lý do anh nhảy tàu, tới Barca để nhận mức lương 70.000 bảng/tuần, thay vì 50.000 như trước, cộng thêm khoản lót tay và tiền thưởng.
Đúng là thu nhập của Song đã tăng lên đáng kể, nhưng anh không hạnh phúc. Trong 2 mùa tại Nou Camp, tiền vệ người Cameroon chỉ đá chính 43 trận ở mọi đấu trường. Và những lần ra sân, anh cũng không thể tái hiện phong độ đỉnh cao như tại Arsenal.
Trong ký ức của các cule, họ chỉ nhớ tới Song ở lễ đăng quang La Liga 2012/13. Trong khoảnh khắc Carles Puyol cầm chiếc Cúp và tiến lại, Song tưởng người đội trưởng muốn anh cùng nâng Cúp nên tươi cười bước ra. Nhưng thật bẽ mặt, người mà Puyol mời lại là Eric Abidal.
Cuối cùng, Song bị đẩy sang West Ham theo dạng cho mượn trước khi bị bán đứt cho Rubin Kazan. Ở đội bóng nước Nga, anh như rơi xuống địa ngục.
Tại đây, Song sống trong căn phòng tập thể ở trung tâm huấn luyện. CLB hứa sẽ tặng một căn hộ siêu sang, nhưng nó không bao giờ được thực hiện. Không bạn bè, không biết tiếng Nga, anh chỉ quanh quẩn trong phòng, làm bạn với laptop và điện thoại di động.
Cùng lúc, áp lực tiền bạc đè nặng lên vai khi tiền vệ này phải trả nợ thế chấp ngôi nhà ở London và dự án nhà ở Nokay17 đang triển khai tại Cameroon. Khốn nỗi Song lại không nhận được một đồng nào từ Kazan.
Phải mãi đến khi chuyển sang Sion, đội bóng của Thụy Sỹ, cộng thêm sự can thiệp từ FIFA, Song mới nhận được một phần tiền lương cho 2 năm chơi bóng tại Kazan.
Ở Sion, đương nhiên thu nhập của Song giảm mạnh, phần vì Sion không nhiều tiền, phần vì phong độ của Song sa sút nhiều để không phải là ngôi sao trong đội. Và nó sẽ còn giảm nữa trong đại dịch Covid-19. Sion yêu cầu tất cả các cầu thủ thay vì hưởng mức lương theo thỏa thuận, chỉ nhận 9.000 euro, tức 80% mức lương tối thiểu ở Thụy Sỹ.
Song không đồng ý. Vì vậy anh bị sa thải. Ở tuổi 32, độ tuổi không quá già với một cầu thủ, tiền vệ người Cameroon rơi vào cảnh thất nghiệp. Và một lần nữa, lại đau đầu với các khoản nợ cùng trăm thứ chi tiêu phải cần đến tiền.
Bạn nên quan tâm