The Blues đã thua 4/9 trận kể từ đầu năm 2019, trong đó có cả thất bại nhục nhã 6-0 trước Manchester City. Đây là trận thua đậm nhất mà Chelsea phải nhận trong lịch sử Premier League kể từ khi họ bị Nottingham đả bại 7-0 vào năm 1991.
Thất bại là vậy nhưng hầu như Maurizio Sarri chưa bao giờ nhận phần sai về phía mình. Ở những cuộc phỏng vấn, ông thường xuyên chỉ trích các cầu thủ chơi không đúng như chiến thuật đã đề ra. Tuy nhiên, liệu Maurizio Sarri có đúng như ông vẫn tưởng?
Dưới đây lả những sai lầm mà cựu chiến lược gia của Napoli đã mắc phải trong năm đầu tiên nắm quyền ở Stamford Bridge.
Thành công ở Napoli với "Sarri-ball" khiến Sarri được Abramovich mê mẩn và mời về dẫn dắt Chelsea. Ngay khi đến với Ngoại hạng Anh khắc nghiệt, thuyền trưởng người Italy lập tức tạo ra dấu ấn đặc biệt với số đường chuyền kỷ lục và những chiến thắng như chẻ tre.
Tuy nhiên, bất cứ lối chơi nào cũng có điểm yếu của nó và "Sarri-ball" cũng không ngoại lệ. Sau thời gian đầu khiến các đối thủ choáng ngợp, nhiều HLV đã nhìn ra điểm yếu trong lối chơi của Chelsea - Jorginho.
Cựu ngôi sao Napoli từng khiến người ta phải trầm trồ thán phục cùng biệt danh "Vua chuyền". Ngoài ra, khả năng di chuyển thông minh, óc quan sát của Jorginho cũng là yếu tố quyết định giúp Chelsea vận hành trơn tru "Sarri-ball". Có thể nói, mọi đường lên bóng của The Blues đều phải qua chân Jorginho - và khi không thể thực hiện điều đó, Sarri ắt bại.
Sarri quá dễ bị bắt bài khi Jorginho không thể hoạt động thoải mái.
Vô hiệu hóa Jorginho không phải khó. Điều này đã được nhiều đội bóng ở Premier League chứng minh, mà điển hình nhất là Tottenham khi họ sử dụng cả Dele Alli để "triệt tiêu" con cưng của Maurizio Sarri.
Điểm yếu lộ rõ nhưng cựu thuyền trưởng Napoli vẫn trung thành với chiến thuật đã đề ra. "Tại sao phải tính đến phương án B khi tôi muốn làm thật tốt với phương án A. Tôi không muốn thay đổi điều gì vào thời điểm này. Tôi chưa thấy được thứ bóng đá của mình. Barcelona thành công suốt 10 năm qua nhờ theo đuổi lối đá của riêng mình. Vì thế, tôi cũng muốn Chelsea chơi thật nhuyễn những gì tôi đề ra".
Các HLV đều có một sơ đồ yêu thích gồm những cầu thủ đặc biệt phù hợp với triết lý mà ông ta xây dựng. Tuy nhiên, xoay vòng là điều cần thiết bởi chẳng cầu thủ nào đủ thể lực để có thể đá suốt được. Ngoài ra, những cầu thủ không được thường xuyên lựa chọn ít nhất cũng cảm thấy hạnh phúc vì có đất dụng võ thay vì mòn mỏi trên ghế dự bị suốt trận này đến trận khác.
Mùa này, Chelsea phải chơi ở Europa League. Lẽ ra, đây sẽ là cơ hội để những cầu thủ trẻ như Callum Hudson-Odoi, Loftus Cheek hay Christensen có cơ hội cọ xát nhiều hơn. Thế nhưng, ngay cả Europa League, Sarri vẫn thường xuyên sử dụng đội hình mạnh nhất và các cầu thủ trẻ chỉ được ra sân khi The Blues đã chắc suất qua vòng bảng.
Lối mòn trong cách dùng người của Sarri khiến nhóm cầu thủ được đá chính lẫn dự bị đều thấy khó chịu.
40 trận đấu trên tất cả đấu trường từ khi Sarri nắm quyền ở sân Stamford Brigde, HLV người Italy đã sử dụng tổng cộng 27 cầu thủ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 15 cầu thủ chơi nhiều hơn 1 nửa số trận - và Willian chỉ vắng đúng mặt 3 lần,
Hệ quả là các cầu thủ thường xuyên được đá chính như Willian hay Hazard càng ngày càng xuống phong độ thấy rõ. Trong khi đó, những ngôi sao bị lãng quên như Hudson-Odoi thì lại rục rịch ra đi.
Ở kỳ chuyển nhượng đông, Odoi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Bayern Munich nhưng Sarri lại kiên quyết không để anh ra đi. Ông tuyên bố sao trẻ người Anh có một tương lai rất sáng ở Chelsea và chắc chắn sẽ được tạo điều kiện thi đấu. Kết quả, sau khi thị trường chuyển nhượng đông khép lại, Odoi chỉ được ra sân vỏn vẹn... 19 phút.
Giống như Chelsea, Eden Hazard đã trải qua một khởi đầu như mơ với 6 bàn cùng 2 kiến tạo tính đến hết tháng 9.
Nhưng mọi thứ bắt đầu tệ đi khi Sarri không còn tin tưởng hai tiền đạo cắm mình có là Alvaro Morata và Olivier Giroud. Ông ép Hazard bỏ vị trí bên hành lang cánh trái quen thuộc để bó vào trong chơi như một số 9 ảo.
Thực tế, vấn đề này không còn quá xa lạ ở Stamford Bridge suốt nhiều đời HLV đã qua. Cứ mỗi khi tiền đạo cắm có vấn đề, Hazard lại được chọn đá số 9 - dù cho chưa bao giờ anh ta thực sự thành công ở vị trí này.
Chưa bao giờ Hazard được đánh giá cao ở khả năng chơi như một số 9 ảo.
Với khả năng rê dắt, giữ bóng, ngôi sao người Bỉ thực sự đáng sợ nếu được chơi rộng ở hai bên cánh. Anh thường xuyên có những pha xộc thẳng vào vòng cấm để rồi nhả bóng cho các cầu thủ bên trong hoặc tự mình kết liễu đối thủ. Tuy nhiên, khi phải chơi như một tiền đạo cắm, Hazard lại không đủ thể hình để đối đầu với các cầu thủ cao to. Anh cũng không phải mẫu cầu thủ chơi quay lưng về phía khung thành để đón các đường chuyền từ tuyến dưới.
Nhìn chung, ép Hazard phải chơi như một tiền đạo ảo quả thật là một tội ác mà Sarri đã làm với ngôi sao người Bỉ và với chính Chelsea. Dù sao, câu chuyện này tạm thời cũng được giải quyết khi Higuain cập bến Stamford Bridge trong kỳ chuyển nhượng đông vừa qua.
Không ai phủ nhận khả năng dứt điểm như một tiền đạo của Alonso nhưng xét về kỹ năng phòng ngự, chắc hậu vệ người Tây Ban Nha chỉ xứng đáng xếp hạng trung bình tại Premier League.
Tư duy chơi bóng của cựu ngôi sao Fiorentina cũng thực sự có vấn đề. Anh không đủ nhanh nhạy để phán đoán xem nên chuyền thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, chất lượng những đường tạt từ chân của Alonso có lẽ chỉ xứng đáng nhận điểm âm.
Không lời nào có thể diễn tả khả năng phòng ngự tệ hại của Alonso.
Nhìn chung, ngoài khoản sút phạt hoặc dứt điểm thì các kỹ năng khác của Alonso đều không xứng đáng chơi cho một CLB top đầu. Rất nhiều lần, các CĐV Chelsea đã kêu gọi Sarri để Emerson đá chính nhưng kết quả chỉ là những cái lắc đầu do "Alonso có nền tảng thể lực tốt hơn".