World Cup vẫn là sân chơi riêng của châu Âu và Nam Mỹ

NGUYỄN ANH DŨNG , 22:22 04/07/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Châu Phi và châu Á lại một lần nữa đứng ngoài cuộc xem châu Âu và Nam Mỹ tranh nhau cúp vàng World Cup. Giải đấu năm 2018 có nhiều bất ngờ, nhưng vẫn không đứng ngoài quy luật chung.

Thế giới có hơn 200 quốc gia, bóng đá là môn thể thao vua tại châu Phi và châu Á, nhưng chưa từng có quốc gia nào ở 2 châu lục này mon men lại gần vinh quang. Càng đi sâu, giải vô địch bóng đá thế giới càng là sân chơi riêng của châu Âu và Nam Mỹ.

Sau 20 kỳ World Cup, có 8 đội chạm tay vào chiếc cúp vàng danh giá thì cả 8 đội đều thuộc Nam Mỹ và châu Âu. Nam Mỹ có 3 đội vô địch còn châu Âu có 5 đội. Ba đại diện Nam Mỹ sở hữu 9 lần lên ngôi, còn 11 là con số nghiêng về các đại diện Lục địa già.

Trong cả 21 trận chung kết World Cup trước đây và năm nay, chẳng có đại diện nào ngoài châu Âu và Nam Mỹ được được hít thở bầu không khí đó. Ngoài ra, Hàn Quốc năm 2002 là đội duy nhất không thuộc châu Âu và Nam Mỹ vào đến bán kết. Vào năm 1966, Triều Tiên dẫn trước Bồ Đào Nha 3-0 ở tứ kết vẫn để thua chung cuộc 3-5, lỡ cơ hội trở thành đội châu Á đầu tiên vào bán kết World Cup.

Các đại diện Bắc Mỹ mới có 3 lần góp mặt ở tứ kết là Mexico năm 1986, Mỹ năm 2002 và Costa Rica năm 2014. Châu Phi cũng mới 3 lần góp mặt ở vòng tứ kết, đó là Cameroon (1990), Senegal (2002) và Ghana (2010).

World Cup vẫn là sân chơi riêng của châu Âu và Nam Mỹ - Ảnh 1.

4 cặp đấu ở vòng tứ kết World Cup.

Tại World Cup 2018, chỉ có một đại diện châu Á và một đại diện Bắc Mỹ giành quyền dự vòng 1/8. Không có đội châu Phi nào vượt qua vòng bảng. Mặc dù châu Phi và châu Á nỗ lực rất nhiều để tạo ra những bất ngờ ở vòng bảng nhưng rốt cuộc vẫn không thể chen chân vào thế thống trị của Nam Mỹ và châu Âu ở vòng knock-out. 

Càng vào trong, tiếng nói của đẳng cấp và lịch sử càng có sức nặng. Con đường chinh phục cúp vàng 2018 lại trở thành cuộc chơi riêng của 2 đội Nam Mỹ và 6 đội châu Âu. Có một nhánh đấu gồm toàn đại diện châu Âu là Anh, Nga, Croatia và Thụy Điển.

Sự áp đảo của châu Âu và Nam Mỹ đến từ chất lượng chuyên môn. Các cầu thủ trong đội hình của họ đều thi đấu ở những giải bóng đá lớn nhất hành tinh, liên tục được cọ xát trong môi trường chuyên nghiệp và nhiều tính cạnh tranh. Những nền bóng đá từ châu Á, châu Phi hay Bắc Mỹ lại trái ngược hoàn toàn. Họ cũng có những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nhưng không có được các tên tuổi đẳng cấp, vì thế mà đối đầu với các đại diện của Nam Mỹ hay châu Âu không khác gì "trứng chọi đá".

Trong 7 kỳ World Cup gần nhất tính từ năm 1990 đến 2014, có đến 6 lần các đội thắng ở trận tứ kết 1 vào đến tận trận cuối cùng của giải. Đó là Argentina (World Cup 1990), Italy (1994), Pháp (1998), Brazil (2002), Hà Lan (2010) và Đức (2014). Trong đó 3 đội trở thành nhà vô địch (Pháp, Brazil và Đức), 3 đội giành ngôi á quân.

Đức năm 2006 là trường hợp ngoại lệ. Khi ấy đội chủ nhà thắng Argentina trên chấm luân lưu ở trận tứ kết đầu tiên nhưng bị Italy loại ở bán kết.

Có một thống kê thú vị nữa là trong 2 kỳ World Cup và 2 kỳ Euro gần đây, đội nào đánh bại Bồ Đào Nha thì đội đó lên ngôi vô địch. Năm 2010, Tây Ban Nha thắng Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 trên chặng đường vô địch. Hai năm sau, Bồ Đào Nha lại trở thành bại tướng trên chặng đường vô địch Euro 2012 của người hàng xóm. World Cup 2014, nhà vô địch Đức đánh bại Bồ Đào Nha ở vòng bảng. Euro 2016, không ai thắng được Bồ Đào Nha và thế là họ lên ngôi vô địch.