Ý kiến trái chiều về luật phân loại cầu thủ mới tại VBA, thế nhưng ẩn sau đó lại là một điều lệ khác giúp thay đổi cuộc chơi

HUY PHẠM , 11:12 03/03/2020 | Bóng rổ

Chia sẻ

Sau những thay đổi ở điều luật phân loại cầu thủ và việc đăng ký sử dụng VĐV Việt kiều tại VBA 2020 được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, từ cả phía người hâm mộ cũng như cầu thủ.

Tương tự như mọi năm, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) lại mở màn với những tranh cãi thường thấy ở đầu mùa, thời điểm những luật lệ liên tiếp được thay đổi. Ở mùa giải thứ 5, ban tổ chức (BTC) VBA đã có một điều chỉnh nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người hâm mộ lẫn cầu thủ, đó chính là điều lệ phân loại cầu thủ và suất Việt kiều cho mỗi đội.

Tại VBA 2020, phân loại vận động viên (VĐV) đã có thêm nội binh ưu tiên (Local Designated), thay vì chỉ có ngoại binh (Import), Việt kiều (Heritage) và nội binh (Local) như trước đó. Ngoài sự phân định rạch ròi này, điều lệ mới cũng quy định mỗi đội chỉ có 1 Heritage hoặc 1 Local Designated trong bản danh sách đăng ký thành viên gửi tới BTC.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 1.

Sự thay đổi này sẽ khiến cho những đội bóng sử dụng 2 Việt kiều như Cantho Catfish, Hochiminh City Wings và thậm chí là cả Saigon Heat phải đau đầu. Ảnh: Tiến Tuấn.

Người hâm mộ và những phản ứng đa chiều

Đối với cộng đồng người hâm mộ giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, đa số đều cho rằng đây là thay đổi không đáng có. Thậm chí nhiều người còn nhận định điều luật này sẽ khiến chất lượng của giải đấu năm nay giảm đi, dù đa phần đều hiểu BTC muốn tạo điều kiện giúp các nội binh phát triển. Cùng với đó, một số luồng ý kiến hy vọng BTC nên bỏ luôn suất ngoại binh để giữ lại 2 cầu thủ Việt kiều.

Đây là những ý kiến phần nào dễ hiểu từ phía người hâm mộ. Bởi với điều lệ mới này, khả năng các cầu thủ cống hiến cho VBA trong suốt 4 năm qua và dàn VĐV từng góp công không nhỏ cho chiến tích lịch sử của đội tuyển bóng rổ Việt Nam ở SEA Games 2019 có khả năng nghỉ thi đấu ở mùa giải tới đây.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 2.

Sẽ có một số cầu thủ đóng góp công sức cho tấm huy chương đồng lịch sử của Việt Nam tại Manila 2019 vừa qua trở thành khán giả bất đắc dĩ tại VBA 2020. Ảnh: VBA.

Tuy nhiên song song đó, vẫn có những quan điểm ủng hộ BTC. Họ cho rằng quy định mới sẽ giúp cho các nội binh có thêm chỗ đứng tại VBA cũng như giúp cho các cầu thủ Việt kiều quyết tâm thi đấu và chứng tỏ tài năng trong mắt các ông bà chủ đội bóng (Owners) và người hâm mộ.

Cầu thủ Việt kiều – Những người chịu ảnh hưởng chính có ý kiến gì?

Về phía cầu thủ, họ cũng có những suy nghĩ khác nhau khi VBA thay đổi cách phân loại VĐV. Mặc dù đều thông cảm và đồng ý với thay đổi này từ phía BTC, tuy nhiên theo như Stefan Nguyễn, cầu thủ từng thi đấu cho Hanoi Buffaloes ở mùa giải trước cho biết không nên phân biệt Việt kiều và nội binh, thay vì đó mà nên gộp chung thành một.

Là một trong những cầu thủ gốc việt tham gia VBA kể từ ngày đầu tiên được thành lập. Stefan Nguyễn đã đóng góp rất nhiều cho giải đấu và thậm chí là cả đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong hai kỳ SEA Games 2017 và 2019. Tuy nhiên, với những lùm xùm đằng sau chuyện chia tay giữa anh và Hanoi Buffaloes ở mùa giải vừa rồi, hiển nhiên điều luật này sẽ khiến cho cơ hội chàng Việt kiều điển trai này trở lại VBA 2020 trở nên ít đi.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 3.

Mặc dù rất tài năng nhưng có lẽ mùa giải năm nay sẽ không có sự xuất hiện của Stefan Nguyễn. Ảnh: Tiến Tuấn.

Khác với Stefan Nguyễn, hai cầu thủ là Đinh Thanh Tâm (Cantho Catfish) và Justin Young (Thang Long Warriors) lại cho rằng đây là một bước đi cần phải có, để giúp cho giải đấu và chất lượng cầu thủ cả Việt kiều cũng như nội binh phát triển.

"Ở những mùa giải trước, có những đội bóng sử dụng 2 Việt kiều nhưng cũng có những đội chỉ có 1 người trong đội hình. Điều này đôi khi mang đến sự thiếu cân bằng trong đội hình và sự thay đổi này sẽ xóa bỏ điều đó", Justin Young chia sẻ với Sport5.

Cùng chung quan điểm với Justin Young, Đinh Thanh Tâm cũng cho rằng điều này không có gì quá nghiêm trọng: "Tôi hoàn toàn ổn với quyết định thay đổi này, bởi VBA có thể làm những gì họ cảm thấy tốt nhất. Sự cạnh tranh cũng sẽ như vậy bởi các đội bóng vẫn còn một ngoại binh và một Việt kiều làm nòng cốt".

Tâm Đinh chia sẻ thêm "Tôi cũng mong đợi đến một ngày mà Việt kiều và nội binh không còn là những rào cản ngăn cách nữa, khi mà những cầu thủ nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với những người trở về quê hương để cống hiến cho bóng rổ Việt Nam".

Tâm Đinh và Justin Young là hai cầu thủ Việt kiều tên tuổi tại VBA sau 4 năm tham dự giải đấu. Có cùng xuất phát điểm ở VBA 2016, rõ ràng sự chuyên nghiệp, nỗ lực và tận tâm trong công việc đã giúp cả hai giữ vững chỗ đứng trong mắt người hâm mộ cũng như các Owners.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 4.

Sự chuyên nghiệp và cầu tiến trên và ngoài sân là điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Justin Young và Tâm Đinh. Ảnh: Huy Phạm.

Giám đốc điều hành VBA nói gì về sự thay đổi ở điều lệ này?

Về vấn đề thay đổi việc phân loại cầu thủ như ở mùa giải năm nay, ông Trần Chu Sa – Giám đốc điều hành giải đấu VBA cũng có những chia sẻ vô cùng thẳng thắn cùng với Sport5. Vị giám đốc điều hành cho biết, đây là một quyết định rất khó khăn, tuy nhiên tất cả vì sự phát triển và gắn kết của cầu thủ Việt kiều với các đội bóng tại VBA cũng như cho nền bóng rổ nước nhà.

“Thú thật là VBA chưa tạo được điều kiện đủ tốt để giữ lại được cầu thủ Việt kiều. Việc thay đổi năm nay nhằm mục tiêu tập trung hơn vào các cầu thủ hồi hương cam kết gắn bó với giải, cũng như tạo sự cạnh tranh hơn giữa các cầu thủ để được thi đấu tại VBA, xa hơn là cơ hội thi đấu ABL cũng như cho đội tuyển Quốc gia.

Khi có được môi trường đủ tốt để thu hút các VĐV Việt kiều chất lượng quay lại thì các cầu thủ khác cũng sẽ sẵn lòng trở về và cống hiến cho đội tuyển. Song song với việc giảm suất thi đấu của cầu thủ Việt kiều thì phía VBA cũng cho phép các đội bóng ký hợp đồng Franchise để tăng sự gắn kết giữa VĐV và CLB”.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 5.

Ông Trần Chu Sa chia sẻ về những điều VBA làm chưa tốt ở các mùa giải trước đó và những thay đổi kể từ VBA 2020 là để khắc phục những khuyết điểm còn tồn đọng của giải đấu.

Chia sẻ thêm về hợp đồng Franchise (Hợp đồng đại diện hình ảnh kể từ VBA 2020), ông Chu Sa cho biết đây sẽ là điểm mới vô cùng thú vị và giúp cho VĐV đảm bảo cuộc sống của mình tại Việt Nam khi quyết định hồi hương để cống hiến. Theo đánh giá, đây sẽ là điều luật giúp cho giải đấu có bước thay đổi rất lớn.

“Sau vài mùa giải đầu tiên, có 1 thực tế đang gia tăng đó là các cầu thủ gốc Việt chỉ xem việc về Việt Nam thi đấu là một cuộc dạo chơi tạm thời trước khi quay về nước và tìm 1 công việc nghiêm túc. Xu hướng này không tốt cho định hướng phát triển lâu dài của bóng rổ Việt Nam.

Chính vì thế, ở VBA 2020, BTC giải đấu cùng các Owners đã thống nhất khi công bố thêm điều lệ “Hợp đồng hình ảnh”, bản hợp đồng lên tới 2 năm này sẽ giúp tăng tính gắn kết giữa VĐV và CLB không chỉ là thi đấu trong mùa giải mà là còn cả ngoài mùa giải. Giúp đảm bảo điều kiện sống cho VĐV tại Việt Nam. Việc thay đổi lần này mong muốn có thể thu hút được các cầu thủ gốc Việt muốn được trở về quê hương và chọn nghề cầu thủ như một sự nghiệp nghiêm túc và cam kết lâu dài”.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 6.

Đây là một thay đổi khá thú vị va sẽ tạo thêm sự gắn kết giữa đội bóng với các VĐV cũng như tạo thêm

Thời gian là câu trả lời tốt nhất

VBA đang chuẩn bị bước vào mùa giải thứ 5, một mùa giải có khá nhiều sự thay đổi cũng như bất ngờ dành cho người hâm mộ. Đối với một giải đấu còn non trẻ như vậy, rõ ràng câu chuyện thay đổi luật lệ để phù hợp hơn với mỗi năm, với sự phát triển chung của toàn khu vực là điều dễ hiểu.

Tất nhiên, sự thay đổi về điều lệ phân loại cầu thủ này sẽ khiến cho một số vận động viên từng cống hiến hết mình cho giải đấu hay thậm chí là những người hùng của đội tuyển bóng rổ Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành khán giả bất đắc dĩ. Nhưng khi một điều luật mới được đưa ra, thật khó để tất cả các bên đều có lợi.

VBA đưa ra điều luật mới về sử dụng Việt kiều, fan hâm mộ và người trong cuộc nói gì?  - Ảnh 7.

Đây là 4 nội binh trẻ của tuyển Việt Nam tại Manila 2019, trong đó nổi bật nhất chính là Dư Minh An, người luôn có một suất chính thức trong suốt kỳ SEA Games vừa qua. Ảnh: VBA.

BTC giải đấu hiểu được điều đó, chấp nhận rằng có thể chất lượng chuyên môn của trận đấu sẽ kém đi chút phần nào. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, người hâm mộ có thể trông chờ vào sự phát triển của những nội binh đầy tài năng đang cần có thêm số phút thi đấu, để được chứng minh bản thân như điều mà Võ Kim Bản, Dư Minh An, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh và Hoàng Thế Hiển đã làm ở mùa giải trước.

Về phía các cầu thủ Việt kiều hiện tại và cả dàn cầu thủ gốc Việt mới sắp được ra mắt người hâm mộ. Đây sẽ là thử thách để giúp cho bản thân họ chứng minh rằng vị trí thi đấu chính thức của họ không phải có được chỉ vì mang trên mình cái mác “Heritage Player”.

Một số điều đáng lưu ý tới từ "Hợp đồng đại diện hình ảnh" của giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA 5x5 2020: Theo điều luật 5.2

5.2.1: Là hợp đồng dành cho 1 VĐV gốc Việt hoặc VĐV nội được ưu tiên đã từng thi đấu tại VBA. Các CLB chuyên nghiệp được phép ký hợp đồng đại diện hình ảnh đối với VĐV ngay sau khi mùa giải kết thúc và phải báo cáo với Đơn vị tổ chức điều hành giải và VBF.

5.2.2: Thời hạn tối đa của hợp đồng này là hai năm.

5.2.3: CLB bóng rổ chuyên nghiệp được quyền ký hợp đồng đại diện hình ảnh ngay sau khi ký hợp đồng với VĐV đượ bảo vệ. VĐV đại diện hình ảnh cũng sẽ được tính 1 suất bảo vệ VĐV của đội bóng.