Tự truyện Mesut Oezil (Chương 4, phần 1): Vòng xoáy chính trị - Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức?

ANH TÚ , 12:08 23/10/2018 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Mesut Oezil sớm phải đưa ra quyết định nên chọn quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức vì sự nghiệp sau này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu cho hoàn cảnh của Oezil. Nhiều người phán xét, thậm chí chửi rủa như thể đây là câu chuyện của họ.

10 bàn thắng đẹp nhất của Oezil.

Tự truyện Mesut Oezil (chương 3): Dư vị đầu của sự nổi tiếng - Những "siêu cò" ba hoa và hám tiền

Sinh ra tại Đức nhưng hộ chiếu của tôi chỉ có một quốc tịch là Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng dễ hiểu thôi mà, tôi là người gốc Thổ và ngày ấy thì chưa có chế độ đa quốc tịch như bây giờ. Hồi nhỏ, tôi cũng chẳng mấy bận tâm chuyện đấy lắm, với tôi, nào chả như nhau. Có đứa trẻ con nào quan tâm hộ chiếu nó ghi gì và dành thời gian với cha mẹ để thảo luận về đất nước nọ kia chứ? Không, chẳng đứa nào thế đâu. Hoặc ít nhất là tôi không thuộc tuýp đấy.

Tuy nhiên, thời gian trôi đi và tôi cũng dần trưởng thành hơn. Tôi nhận ra trước mắt mình có thể là một sự nghiệp phi thường. Đó là lúc tôi tự đặt ra câu hỏi cho chính mình? Tôi muốn trở thành ai? Trong tương lai, nếu được, tôi sẽ chơi cho đội tuyển nước nào? Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức?

Thổ Nhĩ Kỳ 2-2 Đức

Rõ ràng không phải câu hỏi mà bạn có thể nhắm mắt quyết định cho xong. Tôi và gia đình không thường thảo luận mấy chuyện nhỏ nhặt. Kiểu như nên đi sở thú hay đi xem phim với bạn? Hay chọn Real Madrid hay Barcelona khi chơi PlayStation? Hoặc xem pizza Hawaiian hay margarita thì ngon hơn? Nhưng lần này thì khác, đây là lựa chọn sẽ thay đổi cả sự nghiệp tôi, vâng, tôi nhấn mạnh là cả sự nghiệp đấy.

Với những vấn đề điên đầu kiểu này, tôi cần một cuộc thảo luận nghiêm túc với gia đình. Ở độ tuổi 16, 17 hay 18 gì đấy, đây cũng là lựa chọn quá khó để có thể tự mình quyết định. Tất nhiên, lời khuyên từ gia đình không phải bao giờ cũng hữu ích nhưng dù sao, tôi cũng mừng rằng họ đã chia sẻ với tôi những lời thật lòng.

Tự truyện Mesut Oezil (Chương 4, phần 1): Vòng xoáy chính trị - Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức? - Ảnh 2.

Ý kiến gia đình Oezil chia làm 2 ngả, 1 bên ủng hộ anh chọn Đức vì sự nghiệp, 1 bên muốn anh nhớ tới cội nguồn của mình.

Mẹ tôi, Gulizar thiên về Thổ Nhĩ Kỳ hơn. "Mesut, hãy nhớ rằng", bà nghiêm túc. "Thổ Nhĩ Kỳ là cội nguồn của con. Ông bà con đều được sinh ra ở đấy. Nơi đó là đất mẹ, là quê hương của chúng ta. Nếu mẹ là con, mẹ sẽ chọn Thổ Nhĩ Kỳ". 

Ông chú tôi, Erdogan cũng chung quan điểm này. Chú kể cho tôi rất nhiều về Zonguldak và về những cảm xúc chẳng bao giờ phai mờ mỗi lần chú trở lại đây. Theo chú Erdogan, đó là cảm giác về một mái nhà. Tôi lắng nghe từng lời của chú Erdogan, chú ấy trước giờ vẫn là người hay cho tôi những lời khuyên đúng đắn. Nhưng có lẽ không phải lần này. Tính đến năm 17 tuổi, tôi tới Zonguldak được 2 lần và nói thật là chưa bao giờ tôi có cảm nhận như chú Erdogan nói.

Cha tôi không đồng tình với việc tôi sẽ chọn quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. "Mesut sinh ra ở Đức. Nó theo học trường tại Đức. Nó chơi bóng đá cho một CLB Đức. Vậy nên, nó phải đá cho ĐT Đức". Không khí khá là căng thẳng. Cơ mà cho đến khi ông anh Mutlu lên tiếng, tôi phải bò lăn ra cười. Ổng cứ nằm ườn trên ghế sofa, lắng nghe mọi người thảo luận qua lại rồi bất ngờ chốt hạ một câu: "Thằng Mesut phải chơi cho Đức".

Biết sao không, nghe ổng nói tiếp này: "Mọi người có biết thành tích tốt nhất trước giờ của Thổ Nhĩ Kỳ là gì không? Vị trí thứ ba ở World Cup 2002. Còn Đức thì sao, đẳng cấp khác hẳn nhé: Vô địch World Cup 1954, 1974 và 1990".

Tự truyện Mesut Oezil (Chương 4, phần 1): Vòng xoáy chính trị - Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức? - Ảnh 3.

Đặt lên bàn cân, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng khó có thể so sánh với Đức khi thành tích tốt nhất của họ chỉ là huy chương đồng World Cup 2002.

Tôi lắng nghe tất cả và dành cho riêng mình một chút khoảng lặng để ngẫm nghĩ về tất cả. Đến tối hôm đó, chị Nese bỗng chạy ra chỗ tôi. Chị ấy không rành bóng bánh lắm nên cũng chả để tâm mấy cuộc thảo luận của mọi người. "Chị khoái áo của đội Thổ Nhĩ Kỳ hơn", một câu duy nhất tặng kèm theo nụ cười rạng rỡ rồi đi ra chỗ khác.

Tỷ số đang là 2-2, nếu bạn loại ý kiến thích áo đầu của chị Nese ra. Vậy còn tôi? Tôi đang nghĩ gì? Thực ra, tôi phần nhiều thiên về quan điểm cha đưa ra, nhưng tôi cũng chưa dám chắc để đưa ra một quyết định vội vàng. Vài tuần sau đó, đầu tôi cứ quay vòng vòng với câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức. Tôi không muốn vội vã để rồi đưa ra quyết định sai lầm.

Đôi khi, tôi nằm dài trên giường và mơ về khoảnh khắc mặc chiếc áo ĐT Đức dưới sự hò reo của hàng trăm ngàn khán giả trên sân vận động. Viễn cảnh ấy khiến đôi khi tôi cứ tủm tỉm cười một mình. Ý nghĩ về một ngày khoác áo ĐT Đức khiến tôi thấy hạnh phúc biết bao. Nhưng nói thế không phải tôi thấy tệ về việc chơi cho ĐT Thổ Nhĩ Kỳ đâu nhé.

Quyết định của Oezil và sự phán xét từ những người ngoài cuộc

Đôi lúc, tôi thấy như mình sắp phát điên vì chuyện này. Tôi không muốn khiến ai phải thất vọng cả. "Chắc chắn ngày mai mình sẽ đưa ra câu trả lời", tôi cứ tự nhủ bản thân thế và rồi cái ngày mai lại khất sang ngày kia. Nhưng rồi, tôi nhận ra dường như mình đang trốn tránh. Quyết định ấy, đáng lẽ tôi đã biết từ lâu. Nhưng có vẻ tôi đã sợ làm phật lòng người khác nên cứ trì hoãn nó mãi. Và rồi, tôi cũng tự hạ quyết tâm với lòng mình rằng đây là việc làm vì chính bản thân tôi, vì sự nghiệp tôi

Mùa xuân năm 2006, tôi đưa ra quyết định cuối cùng. Cùng năm ấy, tôi và gia đình tới Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Munster để hủy hộ chiếu của mình, đây là một bước quan trọng để tôi có thể được công nhận là công dân Đức sau này. Dù rằng tôi thấy khá có lỗi với mẹ và chú khi từ bỏ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, thật lòng thì tôi chẳng có chút cảm xúc nào với cuốn sổ hộ chiếu ấy cả. Tất cả trong đầu tôi khi ấy chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Vậy là giấc mơ chơi bóng đỉnh cao đã lại gần hơn chút nữa rồi!

Nhưng chưa đến phần đó đâu. Câu chuyện ở Lãnh sự quán hôm ấy còn nhiều ly kỳ lắm. Từ lúc bước vào, tất cả vẫn niềm nở với chúng tôi… cho đến khi cha tôi trình bày lý do tới đây là từ bỏ quốc tịch của tôi. Vị Lãnh sự sốc, thật sự sốc. Ông ấy không hiểu vì sao một người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại chối bỏ quê hương của mình. Ông ấy tức giận ra mặt. Tôi còn nhớ ngài Lãnh sự đã chỉ thẳng một góc trong phòng chờ và hét vào mặt chúng tôi: "Đứng đó chờ".

Tự truyện Mesut Oezil (Chương 4, phần 1): Vòng xoáy chính trị - Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức? - Ảnh 4.

Để được khoác áo ĐT Đức, Oezil đã chịu không ít lời lẽ phán xét, lăng mạ từ những người Thổ Nhĩ Kỳ.

Người này, rồi người kia, và người kia nữa, lần lượt tất cả được gọi vào phòng để giải quyết công việc. Nhưng chờ mãi, chờ mãi cái tên Oezil vẫn không vang lên. Những người đến sau chúng tôi bao lâu lại được vào xử lý trước. Sau hơn một tiếng chờ đợi, cha tôi cũng cực kỳ sốt ruột. Ông điên tiết nói lớn: "Thế bao giờ đến lượt chúng tôi". Tất cả những người trong phòng đó quay lại nhìn cha tôi rồi một người đáp: "Chờ đấy, đến lượt chúng tôi sẽ gọi".

Một tiếng, rồi hai tiếng trôi đi, cánh cửa căn phòng đóng lại báo hiệu giờ làm việc đã kết thúc.

"Xin thứ lỗi, nhưng ai có thể nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra không?", cha tôi hỏi. "Còn chúng tôi thì sao chứ?".

"Hôm sau đến. Nay tôi không có thời gian để giải quyết chuyện của anh", ông ấy đáp.

Nếu không được từ bỏ hộ chiếu của mình hôm nay, nghĩa là chúng tôi đã phí công đi một quãng đường đằng đẵng 80km từ Gelsenkirchen để đến Munster. Không, cha con tôi không chấp nhận ra về tay trắng như thế.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại tới Lãnh sự quán một lần nữa. Và lại đợi. Đợi. Cứ đợi mãi… Cho tới khi cha nắm lấy tay tôi và đi thẳng vào phòng làm việc của họ. "Chúng tôi sẽ không rời đi đâu hết cho đến khi con trai tôi bỏ được hộ chiếu của nó".

Không khí nặng nề đi thấy rõ. Nhưng cha tôi đâu sai, tôi có quyền được như bao người khác chứ. "Không một ai", ngài Lãnh sự nhìn thẳng về phía chúng tôi. "Không một người dân Thổ Nhĩ Kỳ nào lại muốn từ bỏ quốc tịch của mình".

Vâng, ông ấy đang tự quyết định thay chúng tôi theo cảm xúc cá nhân của ông ấy. Trong chính căn phòng ấy, ngài Lãnh sự đã lăng mạ cha con tôi bằng đủ những từ ngữ ông ấy có thể thốt ra. Ông ấy nói chúng tôi là những con người không có lòng tự trọng khi quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, ngài Lãnh sự còn nói chúng tôi như thể những kẻ khủng bố tồi tệ. Nhưng chẳng vấn đề gì với tôi cả. Vì sau cùng, ông ấy cũng phải chấp nhận phê duyệt yêu cầu hợp pháp của tôi.

Còn nữa