img
Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 1.

Tôi từng sống cùng mẹ và 8 anh chị em trong một căn nhà chỉ có 1 phòng ngủ, nơi mà hàng đêm khi không ngủ được, chúng tôi ngước lên trần nhà đếm chuột, thằn lằn để tiêu khiển.

Chúng tôi không có gì để ăn. Không còn chút nào.

Chúng tôi không sống, mà là đang tồn tại qua từng ngày.

Nhưng trước khi kể về câu chuyện đó, hãy để tôi giải thích cho các bạn tại sao cả nhà lại lâm vào cảnh khốn khó như thế.

Năm tôi lên 7, căn nhà gỗ nhỏ do bố tôi xây không sử dụng được nữa. Cứ mỗi khi trời mưa là mọi người lại nháo nhác kiếm những miếng nhựa để trám vào chỗ trần nhà bị dột.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 2.

Một ngày nọ, bố tôi khẳng định ông đã kiếm đủ tiền để xây một căn nhà mới to hơn, vững vàng hơn. Nhưng trước khi hoàn tất căn nhà, ông nói phải đi Cape Verde (Tây Phi) một chuyến.

Ban đầu mẹ tôi nói bố chỉ đi khoảng vài tuần. Nhưng vài tháng trôi qua, chúng tôi không nghe được tin tức gì về ông ấy nữa.

Không một cuộc gọi, không một lá thư.

Tôi không biết điều gì đã xảy ra. Bố tôi có một vài người con ở đó, ông ấy dành thời gian đi thăm họ chăng? Tôi yêu bố hết mực nên không thể tức giận, nhưng sự biến mất của ông khiến cả nhà khốn đốn.

Mẹ tôi phải lo miệng ăn cho cả thảy 4 người con gái, 5 người con trai. Tôi là cậu em út. 10 người chúng tôi sống ở Amadora, một vùng quê hẻo lánh gần thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha).

Hẻo lánh thực sự nhưng Amadora không hề êm ả trong những ngày tôi còn nhỏ. Người dân ở đó và chính quyền liên tục xung đột với nhau vì một dự án xây dựng khu nhà ở mang tên Santa Filomena.

Có tin đồn cho rằng người dân vì muốn bảo vệ đất đai, phong tục đã đứng lên chống lại chính quyền. Một số người bị bắn chết, xe cứu thương chạy ngày đêm trên con đường nhỏ gần nhà tôi.

Phải can đảm lắm mới sống được ở khu như thế. Chúng tôi sợ, nhưng mẹ thì không. Bà khẳng định rằng nếu ai dám động vào một ngón tay của bọn tôi, bà sẽ lao vào "tẩn" chúng ngay. Bọn tôi vì thế gọi mẹ là "mae galinha", tức "mẹ gà vĩ đại" vì đức tính hy sinh, sẵn sàng bảo vệ con cái.

Bà ấy làm tất cả để kiếm đồ ăn cho cả nhà. Bà từng làm ca sĩ không chuyên rồi chuyển sang phụ việc ở một nhà hàng. Có lúc bà còn xin được một chân vào làm lính cứu hỏa.

Nhưng dù có cố gắng như thế nào, mẹ không thể một mình lo hết cho chúng tôi được. Thế nên bà tìm đến một người đàn ông mới. Người kia không giàu có, nhưng ít nhất sẽ chung tay kiếm cơm cùng cả nhà.

Chúng tôi chấp nhận mẹ đi bước nữa. Chỉ có điều ông ấy không muốn sống ở căn nhà người bố mất tích của tôi đang xây dở. Ông bắt mọi người phải sang nhà của ông ấy, nơi thậm chí còn tồi tệ hơn. 10 người chúng tôi lại ở chung căn phòng chật chội, ẩm thấp và có đúng 1 phòng ngủ, như tôi đã mô tả ở phần đầu câu chuyện này. Là em út nên tôi được ngủ trên ghế. Anh chị tôi nhiều người phải nằm dưới nền đất giá lạnh.

Chuột, thằn lằn trở thành bạn của chúng tôi. Thật ra cũng không quá tệ, chúng có thể trở thành trò tiêu khiển. Nhưng có một thứ mà cả nhà không ai quen cho nổi, đó là những cơn đói.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 3.

Giải thích cơn đói cho người chưa từng trải qua là chuyện không dễ. Nếu muốn hiểu, hãy thử mà xem. Hãy cảm nhận, lắng nghe tiếng dạ dày "kêu gào", hãy chịu đựng thử những cơn đau co thắt do thiếu chất, thứ mà đôi khi khiến bạn lầm tưởng mình đang bị dao cứa vào tay.

Hồi nhỏ, hầu như đêm nào tôi cũng lâm vào tình cảnh đó hết.

Tôi nghĩ thứ tốt đẹp duy nhất mà cơn đói mang lại, đó là nó buộc con người phải động não tìm cách vượt qua.

Anh tôi, Paulo Roberto sau một ngày đi tha hương cầu thực trở về nhà với ánh mắt sáng chói, như thể vừa tìm được cách cứu sống cả nhà.

"Sao chúng ta không lên khu nhà giàu ở Lisbon xin ăn nhỉ?"

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 4.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 4.

Tôi không chắc với ý kiến đó cho lắm. Dễ thế hay sao? Vì khu người giàu thường cấm những đứa trẻ lấm lét chúng tôi bén mảng đến. Tôi từng nghe chuyện những đứa trẻ nghèo khó, rách nát chúng tôi bị chà đạp, đối xử tệ bạc ở nơi mà người ta mô tả là "có học" nhất Lisbon. Nhiều người coi chúng tôi chẳng bằng mấy con chó cảnh họ nuôi. Nghĩ đến việc bén mảng ở những chỗ đó xin ăn thôi cũng đủ rùng mình.

Tuy nhiên, mọi chuyến đi xin ăn của chúng tôi đều kết thúc trong cảnh no đủ. Họ cho chúng tôi bánh mì, súp và bánh quy. Một số thậm chí còn đưa chúng tôi vào nhà dùng bữa cùng gia đình họ, khi về đưa thêm tiền để chúng tôi tự mua đồ ăn.

Tôi nghĩ họ thích sự chân thật, vì chúng tôi nghèo nhưng chỉ đi xin chứ không ăn trộm. Khu phố dành cho người giàu có trở thành quê hương thứ 2 với chúng tôi.

Một ngày nọ, khi đang chơi bóng, Paulo phát hiện ra một tiệm pizza mới mở. Vì chưa được thử món đó bao giờ nên 2 anh em lần mò đến.

Hơi đen một chút khi nhà hàng đáp lại rằng họ không còn chiếc bánh nào thừa cả. Nhưng lúc chuẩn bị đi về, một phụ nữ đi tới và gọi: "Này 2 cậu nhóc, đợi chút đã".

Vài phút sau, bà ấy mang đến một chiếc pizza vừa ra khỏi lò.

Mèn ơi, đó thực sự là món ngon nhất tôi từng ăn.

Nếu bạn chưa từng trải qua cơn đói, có thể bạn sẽ nghĩ tôi đang làm quá mọi chuyện lên. Nhưng nếu từng thử cảm giác đó rồi, chắc chắn các bạn sẽ tin rằng đến thời điểm này, hương vị của chiếc pizza đó vẫn phảng phất trong miệng tôi.

Người phụ nữ hỏi chúng tôi đang làm gì. Paulo vừa nhồm nhoàm gặm chiếc pizza vừa đáp: "Bóng đá ạ!". Và rồi không hiểu vì lý do gì, bà ấy muốn chúng tôi quay lại đúng chỗ này vào ngày hôm sau. Bà ấy muốn nhìn anh em chúng tôi chơi đùa với quả bóng tròn.

Chúng tôi giữ lời. Hôm sau khi nhìn Paulo đá bóng, bà ấy thốt lên: "Ôi trời, cậu nhóc đỉnh quá".

"Nhóc nghe này, ta có quen một người bạn làm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Có thể ông ấy sẽ giúp được nhóc đấy".

Bạn của bà ấy là Marco Aurelio, một cầu thủ. Không lâu sau, Paulo được mời đi tập thử một buổi ở Sporting Lisbon. Khi nhận được thư, chúng tôi không tin nổi những gì mình đang cầm trên tay.

Vận may ập đến trong không ai ngờ tới. Một cơ hội đổi đời, không những cho Paulo, mà cả gia đình 9 miệng ăn. Tôi chắc chắn là thế. Ai ngờ từ một buổi đi xin ăn, anh tôi lại được đi thử việc ở một trong những CLB lớn nhất Bồ Đào Nha cơ chứ.

Paulo đương nhiên hiểu rất rõ kết quả của cuộc thử nghiệm đó có thể giúp anh kiếm cơm cho cả gia đình. Ban đầu chúng tôi nghĩ cả nhà sẽ đủ ăn, nhưng khi nghe người ta nói về mức đãi ngộ mà một cầu thủ Sporting được nhận, cả nhà ai nấy đều há hốc mồm.

Ngàn năm mới có một lần như thế thôi, nhưng Paulo đã trễ hẹn… 1 tháng trời.

Tôi nói thật đấy. Không phải 20 phút, không phải một tiếng.

MỘT THÁNG TRỜI!

Paulo khác với tôi. Anh ấy chơi hay hơn hẳn tôi, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng trong những ngày tháng lên Lisbon xin ăn, Paulo kết bạn với một vài đứa nhóc hư hỏng khác.

Thấy bạn hút thuốc lá, Paulo cũng đua đòi học theo. Hôm Sporting Lisbon hẹn, Paulo đã đi đàn đúm cùng những đứa trẻ đó. Vui vẻ nên quên mất mình phải đi kiếm ăn cho cả gia đình.

Sau này, Paulo dứt ra được khỏi đám bạn xấu. Anh đến thử việc ở Sparta Rotterdam, ở Hà Lan nhưng bị từ chối vì "không có ngọn lửa bùng cháy trong người". Cá nhân Paulo cũng không thực sự chuyên tâm vào trái bóng tròn sau vụ ở Lisbon. Theo tôi, thứ Paulo thiếu là kỷ luật, sự nỗ lực và những suy nghĩ tích cực. Vì một vài lý do, tôi may mắn sở hữu tất cả những thứ này.

Tôi hiểu Chúa đã chọn tôi, chứ không phải anh trai, là người gánh vác gia đình này - bằng cách trở thành một cầu thủ bóng đá.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 6.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 5.

Chúa cho tôi cơ hội, rồi còn mang đến quý nhân phù trợ tôi.

Đầu tiên là Sabino, một cậu nhóc tôi coi là bạn thân. Cậu ấy mời tôi đến tập thử của một CLB địa phương.

Năm đó tôi lên 7. Khi nhận được lời mời, tôi tức tốc về nhà chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Lúc gói ghém những đôi giày, tôi luôn tự nhủ: "Mình chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội".

Tôi vớ vội lấy một chiếc quần đùi dùng để tập thể dục đã cũ, đem theo một chiếc quần dài. Tôi mặc một chiếc áo thun rách và đi đôi giày da mới được một quý ông tốt bụng cho, thứ mà mọi người hay đi đến những bữa tiệc đó. Sabino dặn tôi nên đi đến sân tập bằng tàu hỏa, nhưng vì không có tiền nên tôi quyết định chạy bộ.

Trời đổ mưa tầm tã ngay khi tôi bước ra khỏi nhà. Nhưng thật ra cơn mưa đó không khiến tôi khổ sở bằng tràng cười ngặt nghẽo của những đứa trẻ đến trước.

Tôi chạy quá nhanh nên chiếc quần đùi bị rách đũng.

Vừa đến sân thì đám cầu thủ cùng lứa phá lên cười: "Xem hắn mặc cái gì đi tập kìa?".

Tôi xấu hổ lắm, nhưng thú thật chẳng biết phải làm thế nào vì có mỗi 1 cái quần để đá bóng. Sự lựa chọn duy nhất là cắn răng chịu đựng.

Hôm đó mưa nên cỏ trơn trượt. May thay những ngày tháng chơi bóng cùng Paulo ngoài đường giúp tôi có nền tảng kỹ thuật khá. Tôi đi bóng, vượt qua chính những đứa nhóc cười tôi lúc nãy rồi ghi bàn.

BÙM! Một bàn thắng tuyệt đẹp.

VÀO! Lại một pha lập công nữa, lần này là một cú sút xa không thể cản phá.

Khi trận đấu kết thúc, ngoài Sabino, đám trẻ còn lại nhìn tôi như sinh vật lạ. HLV thì chạy đến cầm tay tôi và hỏi: "Này nhóc, ra đây ta hỏi".

"Cậu là ai? Bằng cách nào mà đến được đây vậy?".

"Cháu chạy đến đây", tôi trả lời.

Vị HLV tròn mắt, nghe có vẻ bị giật mình. "Mai lại đến nhé. Lúc đấy chúng ta sẽ cho nhóc một bộ quần áo mới", ông nói. Thế là ngày đầu đi tập cũng chẳng tệ, trừ việc tôi phải về nghe mẹ mắng vì làm rách quần.

Quý nhân thứ 2 Chúa đem đến cho tôi là một người đàn ông tên Mustafa.

Các bạn còn nhớ dự án Santa Filomena ở khu nhà cũ của tôi chứ? Sau những căn nhà, người ta xây thêm một SVĐ nhỏ, đủ để phục vụ một trận 5 đấu 5. Mustafa sống ở một ngọn đồi gần đó.

Mustafa đến từ châu Phi, không ai biết hoàn cảnh nhà ông ấy thế nào, cũng chẳng thấy ai lui đến thăm ông ấy. Thú thật tôi chỉ biết ông ấy hay nhìn chúng tôi đá bóng qua cái cửa sổ nhỏ cũ kỹ.

Nhưng rồi một ngày người đàn ông to lớn đó rời khỏi nhà, xuống tận sân yêu cầu dừng trận đấu.

"Không đúng, các nhóc phải chuyền như này mới phải", ông nói.

Hôm sau, Mustafa ấy lại xuống chỉ cho chúng tôi cách một cầu thủ thực sự chơi bóng. Ông ấy lúc thì đòi chúng tôi đổi cách chuyền, lúc thì đến phàn nàn về cách cả lũ đỡ, sút bóng. Lũ trẻ chúng tôi ai cũng ghét Mustafa vì ông ấy toàn làm gián đoạn trận đấu, cá nhân tôi thì coi đó là cơ hội để học tập, tiến bộ.

"Không, Luis! Sút bóng bằng lòng trong của nhóc ấy. Bằng lòng trong!"

Một thời gian sau Mustafa tập hợp được một nhóm nhóc tì, những người mà ông cho là triển vọng nhất, tạo thành đội bóng nghiệp dư.

Hàng ngày, ông xuống huấn luyện chúng tôi. Thi hoảng, Mustafa đi sang làng bên cạnh để tìm đối thủ cho chúng tôi cọ xát.

Tôi còn nhớ vào buổi sáng ngày chủ nhật, Mustafa hồ hởi mang tới sân một đối thủ ông cho là xứng tầm. Chúng là những đứa trẻ có nhà ở Santa Filomena. Vì sống trong sung túc nên nhìn đứa nào đứa nấy đều to vật vã, dù trạc tuổi tôi.

Đó là trận đấu khó khăn nhất mà tôi từng trải qua. Một gã cao lớn đến mức vài đứa bạn của tôi đã khóc khi bị hắn đẩy ngã.

Nhưng anh trai Paulo của tôi cũng không phải dạng vừa. Sau hiệp 1, tôi ra ngoài và kể chuyện bị đối phương theo kèm chặt, phạm lỗi liên tục. "Anh nhìn thằng bên kia đi, cả trận nó chỉ muốn lao đến rồi dọa em thôi", tôi kể lể.

Vừa nghe xong, Paulo đứng phắt dậy, đi ra và tát thẳng vào mặt thanh niên tôi vừa nhắc đến. Tôi đứng như chôn chân, vừa hãnh diện vừa sợ.

Paulo làm tất cả để bảo vệ tôi, nhưng anh ấy cũng rất nghiêm khắc. Nếu tôi làm sai điều gì, anh ấy sẽ không ngần ngại lấy roi ra "uốn nắn".

Thật ra Paulo có ý tốt mới làm vậy. Nhờ anh ấy mà tôi không bị lạc lối. Paulo trải qua đủ thứ từ khi còn rất trẻ, anh ấy biết những điều tôi cấm bao giờ được đụng vào, như thuốc lá, bia rượu chẳng hạn. Paulo không muốn tôi đi vào vết xe đổ của anh ấy.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 8.

Khi lên 10, tôi chính thức trở thành cầu thủ của đội bóng Real Massama.

Vì khoảng cách từ nhà đến sân tập quá xa nên tôi không thể chạy bộ như trước nữa. Tôi đành phải lén lút chui lên tàu, hy vọng không bị nhân viên an ninh tóm gọn.

Có lần bị bắt, tôi trình bày tình cảnh gia đình nên họ châm chước cho qua. "Được rồi nhóc, lần sau đừng làm thế nữa nhé", nhân viên soát vé nói.

"Vâng, cháu nhớ rồi", tôi đáp.

Nhưng hôm sau tôi vẫn phải làm thế, vì tiền đâu mà mua vé?

Sau này HLV cho tôi chút tiền để đi tàu điện. Tôi được đi tập, được thi đấu và còn được cho thức ăn mang về. Họ thấy tôi quá gầy nên rủ lòng thương. Một vài người bạn trong CLB cho tôi quần áo cũ. Vào những hôm phải thi đấu muộn, tôi thường ngủ lại ở nhà họ.

Nhà tôi dần khấm khá hơn vì tất cả đều biết cách kiếm tiền. Cá nhân tôi còn nhỏ nhưng cũng tự lo được cho bản thân, không khiến mẹ phải lo lắng nữa. Không lâu sau, chúng tôi đào thoát thành công khỏi căn phòng nhỏ có đúng một chiếc giường ở nhà bố dượng.

Không còn chuột và thằn lằn nữa, cả nhà được ở trong một căn nhà đàng hoàng, rộng rãi hơn.

Nhưng thú thật, tôi chẳng quan tâm lắm đến việc tối về nhà ăn gì, ngủ ở đâu. Trong đầu tôi lúc nào cũng có hình ảnh của sân bóng và đồng đội.

Tôi bị bóng đá làm cho ám ảnh. Mỗi sáng, tôi thức dậy lúc 7 giờ để tập thể dục, rèn luyện tốc độ. Thi thoảng tôi ra sân bóng một mình để tập, bất kể trời mưa hay nắng. Tôi tập sút bằng chân trái, rồi chân phải. Tập đỡ bóng bằng đủ các bộ phận trên cơ thể. Lắm lúc ông Mustafa còn phải phi từ trên nhà xuống để "đuổi" tôi về vì trời đã tối mà tôi cứ cắm đầu chạy ngoài sân.

"Nhóc Luis đó là người thế nào hả? Cậu ta không cần ăn, không cần uống. Chỉ cần ném một trái bóng cho nhóc ấy là đủ. Ngoài tập luyện và thi đấu ra nhóc ấy chẳng thiết gì đâu", ông Mustafa thường nói về tôi như thế mỗi khi có người hỏi.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 7.

Dần dần tài năng của tôi được mọi người biết đến. Nhiều người đồn thổi rằng có một cậu bé thiên tài đang ngày đêm tập luyện ở khu ổ chuột, thông tin này khiến các CLB lớn như Sporting và Benfica hết sức quan tâm.

Nhưng tin đồn cũng chỉ là tin đồn. Tôi đã nghe những câu như "Sporting muốn chiêu mộ cậu" hay "Benfica nóng lòng muốn ký hợp đồng với cậu" quá nhiều. Sau đó, chẳng có gì xảy ra hết.

Phải chờ đến năm 2003, sự thay đổi mới xuất hiện. Khi đó tôi 16 tuổi. Trong một buổi nói chuyện với người bạn, anh ta khuyên tôi nên tìm kiếm một CLB khác. "Nani, đến lúc anh chuyển tới một CLB lớn hơn rồi. Tôi chưa từng thấy Sporting hay Benfica chiêu mộ cầu thủ 17 tuổi bao giờ luôn á".

Cậu ta nói đúng. 22 là số bàn thắng tôi ghi được cho CLB, thành tích mà từ trước đến nay chưa cầu thủ Massama nào chạm tới. Rõ ràng khả năng của tôi đã vượt qua trình độ giải đấu này. Một thành viên trong BHL của đội bóng cũng hiểu tôi cần được phát triển thêm. Ông ấy đứng ra tổ chức cho tôi một buổi thử việc ở Benfica.

Nhưng trước khi thử việc, phía Benfica cần trực tiếp xem tôi thi đấu như thế nào đã.

"Nani, nói với HLV trưởng của cậu ở Real Massama rằng trong trận đấu vào ngày chủ nhật sắp tới, ông ấy phải cho cậu ra sân. Một tuyển trạch viên của chúng tôi sẽ đến xem cậu thể hiện như thế nào đấy", một nhân viên ở Benfica nói với tôi như vậy qua điện thoại.

Tôi vui lắm. Đây là cơ hội tương tự như Paulo từng nhận. Tôi chắc chắn sẽ không phá hỏng nó.

Tuy nhiên có một vấn đề hãn hữu nảy sinh. Vì Real Massama đã vô địch nên HLV lên kế hoạch sử dụng một số cầu thủ trẻ trong phần còn lại của mùa giải. Tôi đến và nài nỉ được thi đấu: "Làm ơn, hãy cho cháu ra sân đi".

"Tại sao? Chúng ta vô địch rồi mà…", vị HLV đáp lại.

"Vâng, nhưng một người nào đó của Benfica sẽ đến xem cháu thi đấu trận này".

Ông ấy bắt đầu đăm chiêu suy nghĩ.

"LÀM ƠN ĐI MÀ!"

"Được rồi! Nhưng cậu sẽ chơi trong hiệp 1 thôi nhé, không hơn không kém".

Trước khi trận đấu bắt đầu, tôi bị stress nặng. Trong gần như cả hiệp đấu, tôi chẳng có nổi một cơ hội để thể hiện mình. May thay trong 3 phút cuối trận, thời khắc tỏa sáng đã đến.

Tôi nhận bóng từ giữa sân, rê qua một loạt các cầu thủ đối phương, tính cả thủ môn, rồi nhẹ nhàng đệm vào lưới trống. Mọi người trên khán đài đứng cả dậy vỗ tay cho màn trình diễn ngoạn mục đó. Tôi vui mừng khôn xiết, thầm nghĩ: "Đây có thể sẽ là bàn thắng cứu rỗi cả cuộc đời mình".

Tuy nhiên khi trở vào phòng thay đồ, tôi như sụp đổ với thông tin đến từ BLĐ đội bóng. "Nani à, chẳng có ai của Benfica đến sân dự khán trận đấu ngày hôm nay hết".

CÁI GÌ???!!

Nhân viên của BLĐ không nói dối, người của Benfica không đến thật. Đương nhiên tôi chẳng nhận được một thông báo, hay lá thư xin lỗi nào từ họ.

Tôi gục ngã, cảm tưởng như gần òa khóc đến nơi. Sau mỗi trận tôi ăn rất nhiều để hồi sức trở lại nhưng hôm đó rõ ràng tôi chẳng nuốt trôi bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ bày sơn hào mỹ vị ra tôi cũng chịu.

Về nhà, tôi như gã mất hồn. Bao nỗ lực, cố gắng để không rơi vào tình cảnh của Paulo giờ đổ xuống sông xuống bể.

Một ngày sau, vẫn là người đã thông báo cho tôi tin Benfica nuốt lời muốn nói chuyện riêng với tôi. "Được rồi, lại chuyện gì nữa đây? Benfica lại muốn đến xem tôi thi đấu như thế nào chắc?", tôi nghĩ thầm. Tinh thần thi đấu của Luis Nani vào thời điểm đó đã chạm đáy.

"NGẠC NHIÊN CHƯA NÀO!"

Anh ấy hét lớn rồi đưa cho tôi một lá thư đến từ CLB Sporting.

YEAH!!

Sporting muốn tôi đến tập thử với họ trong vòng 2 tuần. Lần này có thư mời hẳn hoi chứ chẳng phải một cuộc gọi qua điện thoại, vô thưởng vô phạt như trước.

Chúa đã ra tay, cứu tôi một bàn thua trông thấy. Tạ ơn Người vì đã ở bên lúc tôi rơi vào thế khốn cùng.

Cuối mùa xuân năm 2003, tôi bắt đầu luyện tập với Sporting. Được vài hôm thì Benfica liên lạc trở lại. Lần này họ trực tiếp mời tôi đến tập. Thật điên rồ, sáng thứ 2 tôi được chạy trên thảm cỏ ở Sporting Lisbon, sáng thứ 4 tôi lại thi đấu trên sân của Benfica.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 10.

Nhưng sau khoảng 1 tuần như mơ đó, HLV của Sporting đến nói rằng CLB không thể giữ tôi trở lại. "Nhưng nếu muốn, cậu có thể trở lại tập luyện cùng chúng tôi vào giai đoạn chạy đà trước mùa giải", ông ấy nói.

Vị HLV này từng là một thầy giáo thể dục ở trường cấp 2 của tôi. Thông thường, sau khi nghe câu đó chắc chẳng ai muốn quay trở lại nữa. Nhưng vì có quen biết từ trước nên tôi đã chấp nhận.

Tôi quay trở lại Real Massama, tiếp tục chờ đợi. Được một thời gian sau, điện thoại của tôi nổ một lúc 2 tin nhắn. Một tin đến từ Sporting, tin còn lại đến từ Benfica. Hai bức thư này có người gửi khác nhưng nội dung giống hệt nhau: "Ngày mai gặp mặt vào lúc 10h sáng".

"Ok, hẹn gặp ngày mai", tôi đáp lại cả 2 CLB.

Họ mời tôi đến tập luyện trước mùa giải, đúng như những gì đã thương thảo. Lúc đó tôi nghiêng về Benfica vì sau đợt tập thử trước đó, họ dường như muốn tôi ở lại luôn với CLB.

Nhưng tôi có nhiều bạn bè ở Sporting và quen biết HLV ở đó. Quả là một lựa chọn khó khăn.

Đứng ở ga tàu, tôi không biết mình nên mua vé đi đâu nữa.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 11.

Sau cùng như các bạn đã biết, tôi đến với Sporting Lisbon. Tôi được tham gia một giải giao hữu nhỏ trước khi mùa giải chính thức bắt đầu. Thực ra tôi nghĩ cơ hội sẽ không đến với mình sau một vài trận như thế. Nhưng vì chơi quá tốt, vận may đã mỉm cười với tôi.

2 ngày sau khi giải giao hữu kết thúc, HLV vỗ vai gọi tôi ra nói chuyện riêng. "Nani, tôi luôn biết rằng cậu sẽ gắn bó với Sporting mà", ông ấy hớn hở nói. Sau này khi nhớ lại, tôi thấy mình đã bị thử thách. Nếu lựa chọn Benfica chưa biết cuộc đời tôi sẽ đi về đâu.

Lúc đặt bút ký vào bản hợp đồng với Sporting vào mùa hè năm 2003 cũng là thời điểm toàn bộ vấn đề tài chính của tôi đều được giải quyết.

Tôi thậm chí còn đặt được vé xe đi đến Cape Verde, tìm được người bố mất tích của mình. Hóa ra ông gặp rắc rối với giấy tờ tùy thân nên bị giữ lại.

Khi có tiền, mọi thứ được giải quyết một cách nhanh chóng. Tôi sắp xếp được cho bố chuyện giấy tờ và phương tiện di chuyển để ông có thể về thăm gia đình bất kỳ lúc nào. Cuộc sống gia đình tôi nhờ thế vừa sung túc, vừa toàn vẹn. Tất nhiên là không đến mức quá giàu có, đủ ăn, đủ ấm, có thêm chút của để dành là được rồi.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 12.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 10.

Thế nhưng khi mọi thứ xung quanh đều đâu vào đấy, tôi lại gặp khó khăn liên quan đến chính bản thân mình.

Không phải tôi đá dở, mà là quá nhỏ bé so với đối thủ.

HLV bảo tôi có thừa kỹ thuật lẫn tốc độ, nhưng yếu khoản thể hình. Ông ấy bảo tôi khó mà trở thành siêu sao nếu cứ như vậy. Lời nhận xét khiến tôi tương đối tự ái. Nhưng sự thật là tôi còn chẳng đẩy nổi mức tạ 20 kg.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 11.

Đêm đó tôi vắt tay lên trán suy nghĩ. Tôi nhớ lại cái gã bị Paulo tát đợt còn thi đấu 5vs5. Nếu khỏe mạnh hơn, tôi đã có thể đánh bại gã đó, anh trai sẽ không phải nhúng tay nữa.

Giờ anh trai không ở bên nên tôi phải tự lực cánh sinh. Tôi đặt ra giới hạn để tự vượt qua, với mục tiêu chính là được đôn lên đội một Sporting Lisbon.

Vậy là trong 2 năm, tôi lên kế hoạch thay đổi bản thân bằng cách tập theo chế độ mà các chuyên gia mách bảo. Mồ hôi! Rất nhiều mồ hôi của tôi đã đổ xuống căn phòng gym cũ kỹ gần nhà. Sau những buổi tập tôi mệt như chỉ muốn đổ gục xuống đất.

Tuy nhiên tôi không thể yếu đuối như thế được. Tôi làm điều này không chỉ vì bản thân, mà còn là vì gia đình nữa.

Cũng may mọi nỗ lực đã đem lại thành quả. Quãng thời gian tập luyện không ngừng nghỉ và ăn uống điều độ biến tôi trở thành một tiền vệ vừa khỏe, vừa nhanh vừa kỹ thuật. Năm 2005, HLV chính thức viết "Luis Nani" vào tờ đăng ký danh sách đội một của Sporting Lisbon.

Giờ thì chẳng ai có thể chê một điểm nào của tôi nữa.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 12.

Sau khoảng 2 năm thi đấu cho Sporting, báo chí Bồ Đào Nha bắt đầu để hình tôi lên trang nhất. Họ khẳng định rất nhiều CLB lớn trên thế giới muốn có được sự phục vụ của tôi. Ngày nào các anh chị trong nhà cũng nhắc đến chuyện này. Họ đọc qua một lượt các đội bóng tên tuổi muốn chiêu mộ tôi trên báo.

Tôi dám chắc họ không đọc Manchester United.

Đúng là tôi muốn chuyển đến một CLB lớn hơn, nhưng lại khá mông lung về tương lai. Việc này thì phải nhờ đến Jorge Mendes.

Ông ấy viết ra một danh sách dài các điểm đến, phân tích cho tôi từng li từng tí. Sau đó, ông đặt bút vào một cái tên rồi nói: "Nhìn này, theo tôi, đây là lựa chọn tốt nhất của cậu".

Đúng vậy, Jorge Mendes chỉ vào Manchester United.

"Tôi đã nói chuyện với Sir Alex Ferguson. Ông ấy muốn đào tạo cậu hệt như đã từng làm với Cristiano Ronaldo", Jorge Mendes khẳng định.

Đó là điều tuyệt vời nhất tôi từng nghe. Đương nhiên tôi muốn trở thành một Ronaldo mới, vì những gì anh ấy đang làm ở nước Anh thật sự quá tuyệt vời.

Tôi bắt đầu tìm nhà ở Manchester. Kế hoạch ban đầu là một khách sạn giá cả phải chăng, vì tôi muốn tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình. Nhưng Jorge nói: "Cậu muốn ở với Cristiano không?". Jorge cũng là người đại diện của Ronaldo nên sắp xếp việc này rất dễ dàng. Ronaldo cũng đang sống một mình nên mọi thứ rất thoải mái.

OK! Tôi chẳng mong chờ gì hơn được nữa. 

Khi chuyển đến ở cùng Ronaldo, tôi nhân tiện làm quen thêm với Anderson, người cũng vừa cập bến Man Utd.

Hồi đó thật tuyệt. Chúng tôi đều là những chàng trai trẻ tuổi, nói cùng một thứ tiếng. Nhà lúc nào cũng rôm rả, đầy ắp tiếng cười.

Ronaldo có một bể bơi, một phòng riêng để chơi bóng bàn và hẳn một sân tennis. Hằng ngày, mỗi khi đi tập về, chúng tôi lại lôi nhau ra "sát phạt". Hôm thì chơi tennis, hôm thì bơi lội,... Ronaldo có vẻ như không thích trở thành kẻ thua cuộc, sau một vài lần thi đấu tennis tôi phát hiện ra điều đó.

Sự thật này càng được củng cố sau câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe đây.

Một ngày nọ, trợ lý HLV Carlos Queiroz mời 2 đứa chúng tôi tham gia một thử thách. Ông ấy đưa ra câu hỏi, tôi và Ronaldo tự tìm câu trả lời. Không biết Ronaldo như thế nào nhưng tôi dám chắc câu trả lời của mình hoàn toàn chính xác.

Các bạn biết Queiroz đã làm gì không? Ông ấy cố tình thay đổi câu trả lời để giúp Cristiano thắng. Hahaha!!

Ở với Ronaldo là thế đấy. Anh ấy không bao giờ chấp nhận là kẻ thua cuộc. Không bao giờ! Mọi người vì thế nên cẩn thận mỗi lần thác thức, hoặc bị anh ấy thách thức. Ronaldo sẽ "cày" đến khi nào anh ấy đánh bại tất cả mới thôi.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 16.

Đương nhiên chúng tôi vẫn yêu quý Ronaldo. Chính Ronaldo cũng giúp những cầu thủ trẻ như tôi và Anderson học hỏi rất nhiều thứ. Vào thời điểm phải ra ở riêng, tôi và Anderson chính thức trở thành "tín đồ" của giáo phái ghét thua cuộc.

Đúng như Mustafa nói, ngoài bóng đá ra tôi chẳng quan tâm đến thứ khác. Lúc đi chọn nhà, tôi chấm đại một căn.

Nó khá cũ, như những căn nhà ma trong bộ phim các bạn xem trên TV ấy. Ban đầu người nhà tôi đến ở chung nên chẳng có vấn đề gì. Nhưng khi sống một mình, tôi chẳng dám rời khỏi giường vào buổi tối.

Tôi nói thật đấy. Nếu đang nằm trên giường sử dụng laptop mà đói, tôi không bao giờ dám xuống nhà bếp lấy đồ ăn.

Không, không, không và không. Tôi thà đợi sáng hôm sau còn hơn.

Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại như thế. Có thể là khi trời nổi gió, rặng cây trước nhà trở nên quá đáng sợ. Cũng có thể là căn nhà quá cũ, hoặc… quá to? Hay vì đã quá quen sống quây quần cùng người khác nên khi chuyển ra ở riêng tôi không quen?

Tôi không chắc... nhưng tôi hồi đó đúng là một gã nhát cáy.

Tập luyện ở Manchester United cũng rất khác so với các CLB ở Bồ Đào Nha, khác theo hướng ghê rợn ấy.

Chúng tôi buộc phải tuân theo cường độ liên tục, đầy ải bản thân theo các giáo án cực nặng nề. Trong những ngày đầu tiên, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đương nhiên rồi, tôi phải sớm làm quen với những bài tập đó. Khoác áo MU mà không thể chứng tỏ bản thân thì bạn tiêu đến nơi rồi.

Cũng may lúc tôi gặp khó khăn ở MU, Chúa lại cử những quý nhân ra phù trợ tôi.

Thật ra ở MU có rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ tôi. Sir Alex như một người cha. Nhờ các đàn anh Rio Ferdinand, Ryan Giggs, tôi làm quen với văn hóa nhanh hơn. Tôi bè bạn với Antonio Valencia, Fabio và Rafael, Cristiano, Anderson cùng rất nhiều cầu thủ khác.

Nhưng để chỉ ra người có ảnh hưởng lớn nhất, tôi chắc đó là Patrice Evra, người tôi coi như anh em ruột thịt.

Có một khoảng thời gian tôi không chơi tốt. CĐV trên khán đài la ó mỗi khi tôi cầm bóng. Chính Sir Alex cũng không vui khi nhìn tôi thi đấu bạc nhược như thế. Tôi căm hận bản thân lắm. Một ngày sau buổi tập, vừa đặt chân đến nhà tôi đã òa khóc.

Hôm sau, tôi đến gặp Patrice để thổ lộ. "Này Pat, sao mọi nỗ lực, cố gắng của em không đem lại chút kết quả nào vậy? Sao trọng tài luôn xử ép em thế", tôi hỏi.

Patrice lúc đó đang tập hồi sức. Thấy tôi nói, anh ấy không đáp lại mà chỉ ngồi nghe ngóng.

"Pat, em sẽ thay đổi mọi thứ. Em sẽ cho các CĐV thấy mình mạnh mẽ đến mức nào".

Thấy tôi chuẩn bị đổ gục xuống sân đến nơi, Patrice lập tức lao đến vỗ về: "Anh biết cậu thế nào rồi. Fan rồi sẽ yêu quý cậu trở lại thôi mà. Rồi đây cậu sẽ lại ghi bàn. Từ trước đến nay cậu là một trong những người xuất sắc nhất anh từng gặp đấy. Chắc chắn là như thế".

Tôi sụt sịt xuôi lòng.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 17.

Một tuần sau, bàn thắng đến với tôi. Tôi sút tung lưới Chelsea, khiến khán giả trên sân vỡ òa trong sung sướng.

Cảm giác ăn mừng thật là tuyệt. MU thắng nên mọi người đều vui vẻ. Cá nhân tôi thì lấy lại được sự tự tin vốn có. Sau trận đấu, Patrice đến vỗ vai tôi và nói: "Thế mới đúng chứ, chàng trai!" Khoảnh khắc đó thật sự đáng trân trọng.

Tôi cảm thấy thật may mắn khi được quen biết Patrice. Sự nỗ lực, tự tin sẽ giúp bạn vượt qua mọi thử thách. Nhưng trong những lúc bị đánh ngã, bạn cần một ai đó bên cạnh cổ vũ để gượng dậy, như Patrice Evra ấy.

Thật ra bạn cần một chút may mắn để tìm ra tri kỷ. Khi tìm được, đừng bao giờ giấu giếm cảm xúc của bản thân với người đó. Hãy thẳng thắn chia sẻ, xin lời khuyên từ họ.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 18.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột, thằn lằn cũng được nhưng không thể quen với cái đói - Ảnh 16.

Tôi tự thấy mình là một người chân thành. Khi buồn, tôi xị mặt, khi vui, tôi cười lớn. Tôi đã luôn đơn giản như thế từ trước đến nay, và đương nhiên tôi muốn tiếp tục như vậy mãi mãi.

Có một số người cũng từng bần hàn như tôi, vượt lên số phận thành công nhưng lại lạc lối. Tôi thì luôn tự nhủ bản thân: Đừng bao giờ đánh mất chính mình.

Thế nên tôi hiện tại chẳng khác gì đứa nhóc ngủ trong căn nhà dột, nơi mà chuột với thằn lằn làm loạn như chỗ không người cách đây vài chục năm.

Vẫn là đứa mặc một chiếc quần rách, đi giày da, áo thun ướt nhẹp đến ra mắt đội bóng mới.

Vẫn là cậu nhóc từng gõ cửa nhà người khác để xin ăn.

Tôi không xấu hổ. Thay vào đó, tôi còn cảm thấy vui nữa cơ. Bởi vì tôi biết chính sự chân thành, chính trực cũng góp một phần không nhỏ tạo nên sự nghiệp tuyệt vời của mình. Đó là một chặng đường rất dài và khó khăn. Nhưng tôi biết Chúa đã sắp đặt mọi thứ, việc mình cần làm chỉ là thật can đảm bước theo mà thôi.

Làm gì có chuyện tất cả những việc tôi vừa kể chỉ diễn ra ngẫu nhiên chứ? Chúa sắp đặt cả đấy.

Nếu giờ bạn vẫn chưa tin thì ngồi xuống nghe tôi kể thêm một câu chuyện nữa.

Năm 12 tuổi, tôi và Sabino đi "du đấu" với đội của Mustafa, đến một nơi cực nguy hiểm có tên Bairro 6 de Maio. Vừa đặt chân đến nơi, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy rất nhiều cảnh sát cầm súng ngoài đường.

Mustafa lắc đầu, tôi biết ông ấy hối hận vì đã nhận lời.

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 20.

Nhưng bạn biết không, thứ còn khiến chúng tôi sợ hãi hơn cả súng ống chính là đối thủ. Họ hơn tôi 2 đến 3 tuổi, to con, vạm vỡ. Bóng vừa lăn là họ la lớn: "Đạp vào chân chúng nó đi, đạp mạnh vào".

Trên khán đài, CĐV của họ cũng cổ vũ với phong cách ghê rợn như thế.

Tôi co rúm đứng một chỗ. Anh em của tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Chúng tôi không dám vào tranh cướp, cứ để họ cầm bóng rồi sút vào lưới. Sau hiệp 1, chúng tôi bị dẫn trước 2-9.

"Cậu phải chạy nhiều hơn", đồng đội của tôi bắt đầu quay sang chỉ trích nhau. "Này, ông nói thì to chứ lúc nãy ông chẳng sợ mất mật còn gì?".

"Thì ông cũng thế còn bày đặt".

Mọi thứ dường như đã vượt qua tầm kiểm soát. Đúng lúc rối ren nhất, Mustafa xuất hiện rồi nói: "Bình tĩnh nào các chàng trai. Chúng ta sẽ thắng trận này".

Sau lời nói đó, toàn đội hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra.

"Sabino, Luis, 2 nhóc nghỉ một chút đi. Gần hết hiệp 2 hẵng vào", Mustafa nói.

Hiệp 2 chúng tôi chơi tốt hơn hẳn. Có lẽ là nhờ Mustafa. Khi tôi và Sabino được tung vào sân, tỉ số bắt đầu được rút ngắn một cách nhanh chóng.

Bầu không khí thay đổi 180 độ, chúng tôi tự tin thi triển kỹ thuật, rê qua đối phương một cách dễ dàng. Nhóm CĐV điên loạn ngoài sân của họ lúc này im bặt, mắt chữ A mồm chữ O. Tôi cá họ không tin vào mắt mình.

"Lạy Chúa, mấy tên nhóc mỏng cơm đó chơi hay quá".

Thế là đùng một cái họ quay sang cổ vũ chúng tôi.

Các bạn biết điều tuyệt vời nhất là gì không? Trong lúc 2 đội tạm nghỉ, một vài cô bạn xinh xắn đã ra lấy nước cho chúng tôi uống. Thế này ai mà cản nổi các chàng trai mới lớn nữa chứ!

Trận đấu kết thúc với tỉ số 16-12, nghiêng về đội quân của ông Mustafa.

Khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, CĐV ập vào sân quây lấy chúng tôi hò reo. "Mấy nhóc tài năng quá, thật tuyệt vời!".

Khi đang ăn mừng thì một cô bạn xinh xắn cầm giấy bút chìa ra. Tôi nhìn và chẳng hiểu phải làm gì.

"Ký đi, ký vào tờ giấy đó đi", Mustafa hô to.

"Nhưng cháu ký gì bây giờ?", tôi hỏi.

"Ký tên của cậu chứ cái gì nữa!"

Tôi làm theo. Mustafa chạy ra khoác vai tôi và nói: "Cô bé đó thật may mắn. Chỉ vài năm nữa thôi, chữ ký kia sẽ có giá lắm đấy".

Cuối cùng, Mustafa cũng phán sai một lần.

Cái chữ Luis nguệch ngoạc đó thì đáng giá bao nhiêu cơ chứ?

Tự truyện Luis Nani: Tôi ngủ cùng chuột cũng được nhưng không thể quen với cơn đói - Ảnh 18.

Chữ ký của Nani hiện tại.


Phụng Hiếu
theplayerstribune
Riverside
21/07/2020