Thuốc lá, kẻ thù đối với sự nghiệp cầu thủ và những bài học nhãn tiền ở Việt Nam

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG , 22:35 11/06/2019 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Thuốc lá là kẻ thù đối với các cầu thủ bóng đá nói riêng và vận động viên nói chung. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng vẫn có một bộ phận không thể thoát khỏi cám dỗ của những điếu thuốc và khiến sự nghiệp của mình đi vào ngõ cụt.

Tác hại của thuốc lá trong bóng đá

Thuốc lá tác động thế nào đến các cầu thủ?

Một trong những tác động chính của hút thuốc lá đối với VĐV thể thao nói chung và các cầu thủ nói riêng là suy giảm chức năng phổi. Khi hút thuốc lá, các cầu thủ nhanh chóng mệt mỏi hơn, sức chịu đựng và sức bền kém hơn do không đủ oxy trong quá trình hô hấp.

Mặt khác, những người hút thuốc có xu hướng khó thở thường xuyên hơn so với người không hút thuốc, bởi lẽ nicotin cùng các chất độc hại khác trong khói thuốc sẽ làm cho tim đập nhanh hơn, các cơ bắp cũng cần lượng oxy lớn hơn bình thường, khiến phổi phải hoạt động nhiều hơn. Thậm chí, việc hút thuốc là thường xuyên có thể tim của cầu thủ trở nên yếu hơn theo thời gian bởi không được cấp oxi đầy đủ và có thể gây đột tử ngay trên sân.

Thuốc lá, kẻ thù đối với sự nghiệp cầu thủ và những bài học nhãn tiền ở Việt Nam - Ảnh 2.

Đặc biệt, hút thuốc lá trong thời tiết lạnh sau khi vận động với cường độ cao có thể khiến động mạch vành co lại. Đây cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến đau tim.

Ngoài ra, thuốc lá còn bào mòn thể lực và sức chịu đựng của các cầu thủ. Chạy khoảng 50km trong 1 tuần có thể khiến cơ thể phải chịu 1 số tổn thương nhất định, thuốc lá sẽ làm hạn chế khả năng tự hồi phục. Cứ như vậy, mỗi ngày trôi qua, những chấn thương lớn sẽ đến và khiến quá trình thi đấu của cầu thủ bị gián đoạn.

Thuốc lá, kẻ thù đối với sự nghiệp cầu thủ và những bài học nhãn tiền ở Việt Nam - Ảnh 3.

Không chỉ có thuốc lá, ngay cả shisha hay thuốc lá điện tử cũng đem đến tác hại tương tự. Theo tiến sĩ Khalid Anis - Giám đốc tổ chức tư vấn thuốc lá tại vùng Bắc Anh quốc (NTAG) cho biết: "Người ta thường nhầm tưởng rằng shisha không gây độc hại như thuốc lá, vì thuốc shisha có hương trái cây, còn khói thì đi qua nước trước.

Tuy nhiên, nicotine và các chất gây ung thư giống trong thuốc lá vẫn còn đó. Chính vì thế, một người hút shisha thường xuyên sẽ vẫn chịu những rủi ro mắc bệnh giống với người hút thuốc lá như ho lao, trụy tim, và cả ung thư. Ngoài ra, shisha hoàn toàn có thể gây nghiện".

Cầu thủ Việt hút thuốc: Người đánh mất chính mình, người mất hút trên tuyển

Tại Việt Nam, việc cầu thủ hút thuốc cũng chẳng phải chuyện hiếm trong quá khứ và rất nhiều người trong số họ chẳng thể vươn đến đỉnh cao hoặc đánh mất chính mình. Năm 2014, thời điểm thi đấu cho Ninh Bình, cựu tiền đạo Văn Quyến từng bị cổ động viên tố hút thuốc trong giờ nghỉ trận giao hữu với Hải Phòng. Đấy chẳng phải lần đầu tiên "thần đồng" một thời này bị CĐV bắt gặp đang hút thuốc.

Tất nhiên, chẳng thể nói việc Quyến "béo" không thể trở lại đỉnh cao hoàn toàn là do thuốc lá, thế nhưng chắc chắn nó cũng góp một phần không nhỏ khiến sự nghiệp cầu thủ của anh kết thúc một cách đáng tiếc.

Các cầu thủ U21 Việt Nam bị bắt gặp tại quán bar và Văn Quyến hút thuốc ngoài đường.

Cũng vào năm 2014, khi tập trung cùng U21 Việt Nam, hai cầu thủ Nguyễn Văn Công và Đỗ Văn Thuận đã bị bắt gặp khi "bay đêm" ở bar, hút thuốc và uống rượu. Sau đó, họ đã bị VFF loại khỏi danh sách dự giải giao hữu BIDC Cup năm đó.

Trên thế giới, cũng có rất nhiều ngôi sao bóng đá, dù rất tài năng, nhưng chẳng thể duy trì phong độ đỉnh cao trong thời gian dài vì lạm dụng thuốc lá như Balotelli, Marco Verratti hay Mesut Özil.

Ở ĐT Việt Nam và U23 hiện tại, HLV Park Hang-seo cũng cấm tuyệt đối việc các cầu thủ hút thuốc và sử dụng chất kích thích. Ông Park từng chia sẻ: "Các cầu thủ của tôi tuyệt đối không được hút thuốc và chỉ được phép uống rất ít rượu trong những dịp ăn mừng chiến thắng". Đây có lẽ là một phần lý do giúp các học trò của HLV Park luôn có được thể lực sung mãn khi ra sân, lý do rất quan trọng để họ có được những thành công lớn trong thời gian qua. Những gương mặt tiêu biểu nhất nói không với thuốc lá và chất kích thích để có thể duy trì phong độ đỉnh cao có thể nhắc đến như Duy Mạnh, Công Phượng, Hùng Dũng hay Quang Hải...

Nhìn chung, với các cầu thủ và vận động viên nói chung, thuốc lá là một kẻ thù đối với sự nghiệp của họ. Nếu muốn vươn đến đỉnh cao, đặc biệt là trong màu áo của ĐTQG, tất cả đều phải nói không với thuốc lá và các chất gây nghiện khác.