Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài

ANH DŨNG , 05:35 29/09/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Tưởng rằng 9 năm từ ngày bị xóa sổ khỏi bản đồ của bóng đá Việt Nam, cái tên Thể Công sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm. Thế nhưng, như một giấc mơ sống mãi, giấc mơ đoàn quân áo lính chiến đấu khắp sân cỏ đỉnh cao sắp được tái hiện.

Thể Công ngày trở lại. Video: Ted Trần

Đã 9 năm từ cái ngày Bộ Quốc Phòng chính thức "xóa sổ" Thể Công khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam nhưng cho đến tân giờ phút này, nhiều người hâm mộ vẫn không thể nguôi ngoai nỗi buồn về một đội bóng đã từng là cả một thời thơ ấu, đi cùng với đó là những tượng đài như Hồng Sơn, Việt Hoàng.

Đội bóng lâu đời, thành tích oai hùng

Cách đây hơn 60 năm, vào ngày 23/9/1954, dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào lúc đó là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong những ngày tháng hòa bình đầu tiên tại miền Bắc, đại diện cho hình ảnh của lòng quả cảm, tinh thần bộ đội cụ Hồ, Thể Công được thành lập đi cùng sau đó là những chiến công hiển hách, với những cái tên như Ba Đẻn, Cao Cường, Nguyễn Trọng Giáp... lưu danh cho đến tận bây giờ.

Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài - Ảnh 2.

Thể Công - một tượng đài của bóng đá Việt Nam đang gần ngày trở lại.

Thể Công là hình ảnh của đội bóng mang trên mình màu áo lính với đặc trưng là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hết mình cho dù đối thủ có mạnh hơn mình nhiều lần. Với 13 lần vô địch giải hạng A miền Bắc, sau này là 5 lần vô địch giải bóng đá chuyên nghiệp V-League, từng ấy danh hiệu đã đủ để nói lên sức mạnh của họ. Thể Công đơn giản là không có đối thủ khi mà họ còn tồn tại.

Sụp đổ một tượng đài

Nhưng không có gì là mãi mãi, có lẽ tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Người hâm mộ cứ tưởng rằng Thể Công sẽ mãi là cái tên bất diệt cho đến khi đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm thành lập, Thể Công xuống hạng. Một năm sau đó họ vẫn tiếp tục vật lộn tại giải hạng Nhất song chỉ cán đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc, không đủ để tranh một suất play-off lên chơi V.League.

Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài - Ảnh 3.

Thể Công bị xóa sổ là một nỗi đau vô tận với người hâm mộ.

Sau thất bại, Thể Công đã trở lại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam vào mùa giải tiếp theo. Ban lãnh đạo đã quyết định rót những khoản tiền khổng lồ để tái thiết đội bóng. Nhưng tưởng rằng việc các cầu thủ với số tiền lót tay hàng tỉ sẽ giúp đội bóng đi lên thì chính nó lại là con dao hai lưỡi. Thể Công dần mất đi cái chất lính, rồi chính việc làm ấy đã thui chột đi tính giản dị đã ăn sâu vào những chàng trai quen chịu gian khổ đó. Và khi cầu thủ không còn thi đấu vì màu cờ sắc áo, họ chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Và rồi điều gì đến cũng phải đến, như không muốn "sát muối" thêm vào những nỗi đau và chỉ muốn người ta nhớ đến Thể Công với một hình ảnh "cơn lốc đỏ" thật đẹp. Ngày 25/9/2009, Bộ Quốc Phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng quân đội. Tháng 11/2009 Thể Công được tỉnh Thanh Hóa mua lại và sát nhập với Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa. 55 năm biểu tượng, 55 năm khí chất người lính đã chính thức khép lại trên hàng lệ dài của hàng ngàn người hâm mộ.

Khi niềm tin sống lại

Năm tháng dần qua, dù nỗi đau còn đó mỗi khi nhắc lại, dần dần cái tên Thể Công đã dần phai nhạt. Nhưng với những người yêu đội bóng bằng cả trái tim, họ không ngừng nghĩ đến một ngày hồi sinh lại "cơn lốc đỏ". Và vào cái ngày kỉ niệm 57 năm thành lập câu lạc bộ, hàng trăm cán bộ, cầu thủ, cổ động viên mọi thế hệ từng là người của Thể Công đã quyết định khởi động "chiến dịch" thu thập 1 triệu chữ ký ủng hộ trên cả nước để kiến nghị Bộ Quốc phòng về việc thành lập lại đội bóng Thể Công.

Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài - Ảnh 4.

Bùi Tiến Dũng và sứ mệnh phục hưng.

Như chạm vào nỗi đau "âm ỉ", những người đứng đầu hiểu rằng họ cần phải làm gì đó để có không phụ lòng những người hâm mộ, những người yêu bóng đá thực sự. Nhưng qua một lần "đau", ban lãnh đạo cũng nhận ra rằng tiền không thể làm nên một đội bóng thực sự, để khôi phục được tinh thần người lính trong mỗi cầu thủ, họ cần phải bắt đầu từ rễ. Và trung tâm đào tạo bóng đá Viettel được hình thành từ đó với ước mộng khôi phục.

Cái tên Viettel dần dần phát triển từ đó, nhưng trong suy nghĩ của người hâm mộ thì đó chính là Thể Công, họ vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi, chờ cái ngày hồi sinh thực sự.

Như một cái kết đẹp cho một cuộc tình nhiều thăng trầm, ngày 13/4/2018, trang chủ của CLB Viettel phát đi thông báo: "Sau 9 năm phiên hiệu Thể Công không tồn tại trên bản đồ bóng đá nước nhà và 2 năm tích lũy kinh nghiệm ở giải hạng Nhất quốc gia, mùa giải 2018 là bước ngoặt để cái tên Thể Công hào hùng trở lại với sân chơi cao nhất của bóng đá quốc nội. Việc thăng hạng và lấy lại phiên hiệu Thể Công ở mùa giải V-League 2019 là nhiệm vụ hàng đầu tập đoàn viễn thông Quân Đội giao cho Trung tâm thể thao Viettel, kèm theo đó là những điều kiện tốt nhất để đoàn quân của thượng tá Nguyễn Thanh Hải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó."

Và cho đến thời điểm này, Viettel vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình, họ đứng đầu hạng Nhất, hơn đội đứng thứ sau 5 điểm trong khi chỉ còn 2 vòng đấu nữa là mùa giải khép lại. Giấc mơ không còn là giấc mợ, giấc mơ của những người yêu màu áo lính, yêu sự cuồng nhiệt của "cơn lốc đỏ" đã sắp thành hiện thực. Với tấm băng đội trưởng trên tay hiện giờ, trung vệ Bùi Tiến Dũng sẽ là người mang sứ mệnh "phục hưng", hồi sinh một cái tên đã trở thành huyền thoại.

Một hành trình dài và sắp đến ngày hái quả. Hiện tại, Tiến Dũng cũng các đồng đội đã thi đấu rất tốt suốt cả mùa giải, họ chỉ cần 1 điểm số nữa là có thể chính thức đăng quang và thăng hạng ở mùa giải năm sau. Trận đấu với Bình Phước lúc 15h hôm nay (29/9) sẽ rất đáng chờ đợi với những người yêu Thể Công nói chung và với cá nhân "Dũng Tư" nói riêng.

Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài - Ảnh 5.

Lịch thi đấu hạng Nhất chiều 29/9.

Thể Công - Sự trở lại của một tượng đài - Ảnh 6.

Bảng xếp hạng hạng Nhất tính tới trước vòng đấu áp chót.