Sorry-ball và cả một bầu trời giông bão đang chờ Chelsea trước mắt

ANH TÚ , 09:01 11/02/2019 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Thua Bournemouth 4-0, bị Manchester City hủy diệt 6-0, "Sarri-ball" của Chelsea lúc này chẳng khác gì một trò cười. Những kết quả tồi tệ này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích cuối mùa mà còn khiến họ đối mặt với một tương lai giông bão.

Highlights Manchester City 6-0 Chelsea

Đã từ rất lâu, The Blues mới chơi một lối đá tấn công rực lửa như... hồi đầu mùa. Cũng đã từ rất lâu, chính xác là năm 1991, Chelsea không thua với cách biệt 6 bàn trở lên tại giải đấu cao nhất nước Anh. Vậy mà Maurizio Sarri cùng triết lý của ông đã thay đổi tất cả. 

Từ một Chelsea lầm lỳ, gai góc, lối đá "Sarri-ball" trứ danh của ông buộc họ phải trở thành những nghệ sỹ sân cỏ. Và cũng từ một Chelsea mà chúng ta vẫn thường biết, vị thuyền trưởng người Italy đã biến "Niềm tự hào London" trở thành Arsenal - theo lời của Jamie Carragher.

Tất cả những yếu điểm của họ đều đã bị phơi bày trong cuộc thảm sát trên sân Etihad.

Chelsea nhập cuộc rất chủ động và hứa hẹn sẽ chơi một trận đôi công sòng phẳng với Man City. Nhưng chuyện xưa như Trái đất lại xảy ra, họ thủng lưới sớm và lúng túng chơi như 11 đứa trẻ con trước đội bóng của Pep Guardiola. 

Maurizio Sarri, như thường lệ, chắc hẳn đang đổ lỗi cho thứ tinh thần yếu đuối của các học trò. Ông đã lặp đi lặp lại điều này rất nhiều lần trong mỗi cuộc họp báo khi Chelsea thất bại. Cứ cho là The Blues không còn gai góc như xưa, nhưng họ đều là những người đàn ông và quá nửa đội hình đã lên ngôi vô địch Premier League 2 năm về trước cùng Conte.

Cái sai đầu tiên không phải ở cầu thủ, mà là ở chính Maurizio Sarri. Sự bảo thủ, thiếu linh hoạt trong cách điều chỉnh chiến thuật của ông thầy người Italy đã biến những học trò của ông trở thành 11 con rối vô hồn trên sân.

Sorry-ball và cả một bầu trời giông bão đang chờ Chelsea trước mắt - Ảnh 2.

Theo nhận định từ giới truyền thông Anh, HLV Sarri nhiều khả năng đã đánh mất sự ủng hộ từ phòng thay đồ, giống như Mourinho trước khi bị MU sa thải.

Dễ thấy như trong trận đấu với Man City vừa rồi, Chelsea nhập cuộc rất đúng kiểu Sarri-ball. Ban bật ngắn, kiểm soát bóng và dĩ nhiên, không thể thiếu một Eden Hazard khuấy đảo bên hành lang trái. 

Nhưng sau khi nhận bàn thua, họ hầu như không còn cách nào khác để thay đổi tình hình. Tất cả chỉ biết đá theo chiến thuật ban đầu được đưa ra, cố sống cố chết chơi như vậy cho đến khi thua thảm 0-6. Không ít lần trong trận đấu, chúng ta đã phải nhìn Eden Hazard đơn độc, cầm bóng xộc thẳng vào hàng phòng ngự Man City như thể đây là trận đấu của một mình anh vậy.

Người ta nói, mùa đầu tiên của Pep Guardiola cũng gặp nhiều khó khăn và giờ thì họ đang thống trị cả giải Ngoại hạng Anh. Người ta bảo Antonio Conte cũng từng "ăn hành" suốt khi đem chiến thuật từ Italy đến xứ sướng mù, vậy mà cuối mùa ông vẫn lên ngôi vô địch. Sarri giống cả Pep lẫn Conte, nhưng cái ông không có như họ chính là sự linh động trong tư duy.

Marcos Alonso, mắt xích yếu nhất trong đội hình của Chelsea vẫn tiếp tục được tin dùng suốt cả mùa giải. Ross Barkley được thay thế Kovacic ở trận gặp Man City để tăng cường chất thép nơi tuyến giữa. Kết quả là "truyền nhân" Lampard biếu không cho đội chủ nhà bàn thắng của Aguero. 

Từ bao lâu nay, người ta đều biết Barkley là mẫu "dùng sức nhiều hơn dùng đầu". Khi đội nhà chiếm thế chủ động, điểm yếu này của anh ta phần nào được che đậy. Nhưng khi bị áp đảo hay thua trận, sự yếu kém của anh ta đều lộ ra rõ. Ngớ ngẩn trong phòng ngự, vụng về trong tấn công, thế mà phải đến phút 52, khi Chelsea đã thủng lưới đến bàn thứ tư, Sarri mới tung Kovacic vào sân.

Vị thuyền trưởng của The Blues trong buổi họp báo sau trận đã nói rằng ông "không hiểu chuyện gì đang xảy ra" và "không thấy triết lý bóng đá của ông hiện hữu bên trong các cầu thủ". Lại một lần đổ lỗi, lại một lần trốn tránh, giống y như cách Sarri không thèm bắt tay Pep Guardiola sau trận mà "trốn" thẳng vào trong đường hầm.

Chẳng có cái gì gọi là "Sarri-ball", tất cả chỉ đơn giản là những sự lấp liếm sau mỗi thất bại. Tốt hơn hết, hãy nên gọi nó là "Sorry-ball" mới đúng!

Tương lai của Maurizio Sarri có lẽ đang được "đếm từng ngày" nếu ông chủ Abramovich tiếp tục thói quen "chơi" HLV của mình. Nhưng, Sarri đi hay ở lúc này cũng không quan trọng bằng bầu trời giông bão đang đợi Chelsea trước mắt.

Lúc này, họ đã rớt xuống hạng 6 ở Premier League, bằng điểm Arsenal và MU nhưng thua hiệu số. Với việc Tottenham vẫn duy trì được phong độ và khoảng cách khá ổn định, 3 suất đầu tiên dự Champions League mùa tới gần như đã được xác định. Chỉ còn 3 đội bóng (Chelsea, Arsenal, MU) đang vật lộn nhau cho một suất cuối cùng. Nhưng với phong độ hiện tại, rõ ràng chỉ có Manchester United là sáng cửa nhất cho vị trí thứ tư.

Sorry-ball và cả một bầu trời giông bão đang chờ Chelsea trước mắt - Ảnh 3.

"Sorry-ball" sẽ kéo theo cả một bầu trời bão tố đến với Chelsea vào cuối mùa.

Dĩ nhiên, Chelsea có thể chờ đợi vào Europa League. Dù vậy, cuộc cạnh tranh cho ngôi vương ở giải đấu cao cấp thứ hai châu Âu cũng cực kỳ gắt gao. Và chẳng có gì đảm bảo một tay mơ chưa một lần chạm vào cúp như Sarri có thể giúp Chelsea đến với Champions League theo đường này.

Tương lai đội bóng thành London còn bất ổn hơn nữa khi dường như Hazard đã quyết định ra đi. Với vị thế của ngôi sao người Bỉ cũng thực tế là anh đã ở tuổi 27 - đỉnh cao của một cầu thủ, không nhiều khả năng Hazard sẽ tiếp tục gắn bó với Chelsea. Thay vào đó, cựu ngôi sao Lille cần tới một đội bóng được đầu tư bài bản và có tham vọng như Real Madrid để chinh phục những danh hiệu còn thiếu.

Mất đi cầu thủ quan trọng nhất, Chelsea cũng rất khó để giữ được tài năng trẻ Hudson-Odoi. Suốt kỳ chuyển nhượng đông, Sarri đã không đồng ý để tiền đạo người Anh được tới Bayern Munich. Ông liên tục điền tên anh vào danh sách đá chính và rồi cất luôn Odoi lên ghế dự bị khi phiên chợ tháng 1 đóng cửa - bất chấp thực tế Pedro và Willian đang có phong độ không cao.

Vì Sarri, Chelsea đang đứng trước nguy cơ đánh mất tất cả vào cuối mùa. Nhưng có lẽ, ông ta cũng chẳng dám đứng lên nhận lỗi về phía mình. Bởi suy cho cùng, "Sorry-ball" thì luôn đúng, họa chăng, các cầu thủ không theo kịp tư tưởng của Sarri mà thôi...