Siêu sao bóng rổ làm náo loạn giới khoa học với tuyên bố chấn động: Trái đất không hề tròn, nó phẳng như cái bánh pizza

THANH ĐÌNH , 06:53 05/05/2020 | Bóng rổ

Chia sẻ

Hoàn toàn nghiêm túc, ngôi sao bóng rổ Kyrie Irving tin rằng Trái đất phẳng và bấy lâu nay, cả thế giới bị lừa rằng nó hình khối cầu. Chính xác thì theo Kyrie, Trái đất giống như cái bánh pizza, chứ không phải như một quả cam.

Kyrie Irving là một trong những ngôi sao bóng rổ xuất sắc nhất thời đại. Anh đoạt huy chương vàng Olympic 2016, vô địch World Cup 2014, NBA 2016 cùng hàng tá danh hiệu tập thể và cá nhân khác. Bên cạnh tài năng phi thường, Irving còn được biết đến là một người thông minh và sâu sắc. Có lẽ vì quá thông minh, đến một ngày nọ anh chợt nhận ra rằng, té ra Trái đất… phẳng.

Năm 2017, podcast được phát hành trong kỳ nghỉ NBA All-Star, Irving nói rằng: "Hãy nhìn xem, ngay trước mặt chúng ta. Trái đất phẳng. Thực sự phẳng. Bấy lâu nay chúng ta đã bị lừa". Theo anh, chỉ cần leo lên một ngọn núi và phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy, đường chân trời rất thẳng. Có nghĩa là Trái đất giống như chiếc đĩa dẹt, không phải hình cầu.

Trong cuộc phỏng vấn khác với tờ New York Times năm 2018, Irving, người cũng tuyên bố có thể nhìn thấy bản thân mình khi đang ngủ, cho hay: "Khoa học đã chứng minh, các học giả và lịch sử cũng đã chứng minh rằng Trái đất phẳng. Nhưng tại sao chúng ta lại không nghĩ về điều ngược lại và chứng minh rằng mình đúng?"

 - Ảnh 1.

Kyrie Irving cho rằng Trái đất thực sự giống như chiếc bánh pizza.

Vẫn là Irving với luận cứ nực cười: "Không phải lúc nào khoa học và lịch sử cũng đúng. Điều mà tôi biết là lịch sử luôn bị bóp méo theo thời gian, vậy tại sao chúng ta cứ nhất nhất tin Trái đất phẳng? Hãy suy nghĩ về Nikola Tesla (một trong những nhà phát minh, nhà khoa học vĩ đại nhất lịch sử), chẳng phải ông ấy từng bị coi là lập dị vì những tuyên bố khiến cả thế giới kinh ngạc đó sao?".

Irving không phải người duy nhất trên thế giới tin Trái đất phẳng. Hiệp hội Trái đất phẳng là một tổ chức gồm khá nhiều tín đồ. Theo hội này, Trái đất giống như một cái đĩa với trung tâm Bắc Cực, bao xung quanh là bức tường băng Nam Cực.

Họ cũng lập luận rằng NASA (Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ), đã bịa đặt về Trái đất hình khối cầu. Công việc của tổ chức này, thực chất là ngăn người dân bén mảng gần Nam Cực, trèo qua và rơi khỏi… chiếc đĩa Trái đất.

 - Ảnh 2.

Hình dạng Trái đất trong con mắt những người theo chủ nghĩa Trái đất phẳng.

Bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết rằng, ở đất nước Brazil có tới 11 triệu người, tức 7% dân số, tin vào lý thuyết Trái đất phẳng. Họ nói, Trái đất tròn là "lời nói dối khủng khiếp nhất lịch sử loài người" và "trên đời này chỉ có 2 điều chắc chắn, một là cái chết và hai là Trái đất phẳng".

Trước Irving, một ngôi sao bóng rổ khác là Shaquille O’Neal cũng ủng hộ chủ nghĩa Trái đất phẳng. Và O’Neal chứng minh bằng cách phóng xe từ Florida về nhà ở California, sau đó hét lên: "Thấy chưa? Tôi đã đi một quãng đường dài và bằng phẳng, vậy tại sao người ta lại cứ khăng khăng Trái đất hình cầu?".

Tuy nhiên, chủ đề Trái đất phẳng chỉ thực sự được bàn tán rộng rãi kể từ tuyên bố của Irving bởi mức độ nổi tiếng của anh. Lượng tìm kiếm "Trái đất phẳng" bùng nổ trên Google, gấp 3 lần so với trước đó. Đồng thời số tín đồ của Hiệp hội Trái đất phẳng tăng cao đột biến, thay vì chỉ dừng lại ở mức 200 người mỗi năm.

 - Ảnh 3.

Kyrie Irving không nghĩ rằng tuyên bố của anh gây ra hệ quả nghiêm trọng.

Không chỉ các nhà khoa học, cánh giáo dục cũng bối rối khi sinh viên và học sinh của họ đột nhiên nghi ngờ khoa học. Susan Yoon, Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Pennsylvania hiện đang đào tạo thế hệ giáo viên khoa học tương lai nói: "Tôi thực sự hoảng loạn. Làm thế nào mà họ lại nghĩ rằng tôi là một phần của âm mưu reo rắc ý nghĩ sai trái về Trái đất tròn? Chỉ vì phát biểu ngáo ngơ của một cầu thủ bóng rổ, họ quay lưng với khoa học và nghi ngờ tất thảy".

Để đối phó, Giáo sư Yoon chỉ còn cách hướng dẫn sinh viên thu thập bằng chứng, kiểm tra nguồn, suy luận, đưa ra giả thuyết và tổng hợp kết quả. Hy vọng sau đó, họ sẽ tự mình tìm ra sự thật.

Sự hoài nghi ngày càng lớn dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong giáo dục, cuối cùng Irving phải đăng đàn gửi lời xin lỗi tới các giáo viên khoa học, "vì tôi biết các bạn đã phải đảo lộn toàn bộ chương trình giảng dạy". Anh cũng ước rằng mình "chưa bao giờ nói về vấn đề đó".

Mặc dù vậy, tương tự như khi Galileo Galilei buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm đã nói rằng "dù sao thì Trái đất vẫn quay", Irving chưa bao giờ thừa nhận mình đã sai. Anh vẫn nghĩ rằng Trái đất là cái bánh pizza, không phải quả cam.