Scandal "xếp chỗ tuyển thủ" và câu chuyện về tài trợ, quảng cáo trong Esports

PHỤNG HIẾU , 18:31 10/06/2020 | Esport

Chia sẻ

Những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt lại có thể gây hậu quả khôn lường.

Sắp xếp vị trí của các tuyển thủ trên poster, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại làm tốn quá nhiều giấy mực của báo chí trong ngày hôm qua.

Mọi chuyện bắt đầu khi fanpage Cao Thủ Liên Quân đăng tải danh sách 8 tuyển thủ đại diện cho Việt Nam thi đấu trận showmatch với các khu vực khác. Ở mọi vị trí, từ đường Caesar đến hỗ trợ, đều là những nhân tài. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thần đồng Lai Bâng lại được xếp ở vị trí nổi bật trong khung hình. Bên cạnh Bâng là ADC và ProE của Team Flash.

Scandal "xếp chỗ tuyển thủ" và câu chuyện về tài trợ, quảng cáo trong Esports - Ảnh 1.

Tấm poster ban đầu được đăng tải lên Facebook.

Có rất nhiều điều để bàn luận về tấm poster này. Thứ nhất, cách sắp xếp các tuyển thủ thật sự có vấn đề. Nếu như 8 người thuộc 4 đội tuyển được chia đều sang 2 bên thì Bâng phải đứng giữa Daim và Hiro mới đúng. Vì nếu lấy trục giữa, 2 bên đều xuất hiện 4 tuyển thủ. Đây là cách sắp xếp đối xứng cơ bản.

Thứ 2, việc để Bâng đứng trên ProE và ADC cũng không hợp lẽ thường. Bởi ADC và ProE vốn là nhà ĐKVĐ Đấu Trường Danh Vọng. Họ là những người duy nhất tính đến thời điểm hiện tại sở hữu 4 chức vô địch Việt Nam liên tiếp và liên tục đưa Liên Quân Mobile Việt Nam tỏa sáng trên bầu trời thế giới trong 2 năm trở lại đây.

ProE và ADC vì thế, xứng đáng đứng giữa khung hình. Vị thế của họ khác hẳn những tuyển thủ còn lại.

Thứ 3, để ProE và ADC đứng sau Lai Bâng đồng nghĩa với việc người thiết kế vô tình không tôn trọng nhãn hàng tài trợ và logo của Team Flash. Đây chính là vấn đề quan trọng nhất, nguyên nhân khiến Giám đốc Esports của Team Flash, ông Nguyễn Phương không giữ được bình tĩnh sau khi nhìn tấm poster trên.

Scandal "xếp chỗ tuyển thủ" và câu chuyện về tài trợ, quảng cáo trong Esports - Ảnh 2.

Scandal "xếp chỗ tuyển thủ" và câu chuyện về tài trợ, quảng cáo trong Esports - Ảnh 3.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta nên tìm hiểu về cách một tổ chức Esports như Team Flash vận hành.

Để gây dựng một đội tuyển, tổ chức Esports cần chi hàng núi tiền để đưa về những tuyển thủ xuất sắc. Ngoài tiền chuyển nhượng, họ còn mất thêm một khoản để trả lương, đãi ngộ các ngôi sao của họ. Đó là chưa kể đến tiền chi ra thuê gaming house, mua thiết bị để phục vụ cho công tác tập luyện và đóng phí tham dự giải đấu.

Những chi phí trên chỉ là khoản đầu tư cơ bản. Trong khoảng thời gian đầu hoạt động, họ đơn thuần không sản sinh ra bất kỳ lợi tức nào.

Vậy làm cách nào để các tổ chức như Team Flash sống sót trong thế giới Esports? Tiền thưởng ư? Không phải, vì dù giải thưởng có lên đến hàng tỉ đồng như Đấu Trường Danh Vọng đi chăng nữa thì cũng chỉ bù lại phần nào khoản đầu tư cơ bản. Tiền bán áo các tuyển thủ ư? Cũng sai nốt, vì kể cả là fan của một đội tuyển chưa chắc bạn đã mua áo đấu của đội tuyển đó để mặc. Doanh thu đến từ việc bán áo và các sản phẩm khác gắn liền với một tổ chức Esports vì thế không đáng kể.

Đây chính là sự khác biệt của Esports với thể thao truyền thống. Các tổ chức như Team Flash buộc phải tìm cách khác để kiếm tiền. Họ đương nhiên không thể đi theo con đường mà các CLB bóng đá đã đi để tồn tại trong ngành công nghiệp còn non trẻ này.

Lối đi khả dĩ, duy nhất nhất đối với các tổ chức như Team Flash là hò các tuyển thủ luyện tập ngày đêm và thực hiện các buổi stream. Họ làm thế không phải vì số tiền thưởng hay số tiền stream ít ỏi, mà là hướng đến cơ hội để thu hút đầu tư của các nhãn hàng lớn.

Đây thực tế là một hình thức quảng cáo cơ bản trong các ngành công nghiệp. Đánh giá được sự hiệu quả của nó là điều không thể vì chỉ những người nằm trong chính bộ máy doanh nghiệp đứng ra tài trợ cho các đội tuyển Esports mới nắm rõ. Chúng ta chỉ có thể biết rằng khi muốn đầu tư, các nhãn hàng sẽ tìm đến đội tuyển nổi tiếng và có cơ hội vô địch cao nhất để hình ảnh của họ liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Chính vì thế chẳng phải ngẫu nhiên Team Flash là đội tuyển duy nhất ở Việt Nam hiện tại có nhãn hàng tài trợ in trên ngay trước mặt áo.

Quay trở lại với tấm poster gây tranh cãi, không khó để nhận ra nhãn hàng tài trợ của Team Flash đã bị che đi khá nhiều bởi sự xuất hiện của Bâng.

Nhãn hàng tài trợ của Team Flash khi nhận thấy khoản đầu tư của họ không đem lại hiệu quả nhiều khả năng sẽ phải xem xét lại bản hợp đồng đã ký. Trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, họ có thể sẽ rút khoản đầu tư vào Team Flash để tìm kiếm đội tuyển thích hợp hơn.

Khi "nguồn sống" không còn, Team Flash chẳng khác gì một người đang ôm trong mình khoản nợ lương khổng lồ mà họ không thể chi trả. Họ buộc phải tìm kiếm những nhà tài trợ khác để tiếp tục tồn tại.

Scandal liên quan đến tấm poster hiện dường như đã được giải quyết ổn thỏa sau khi fanpage chính thức của Team Flash thông báo: "Team Flash và Garena Liên Quân Mobile vẫn mong muốn trở thành đối tác tốt và hợp tác với nhau trong những dự án tương lai".

Dù sao đây cũng là bài học đắt giá cho những người muốn dấn thân vào ngành công nghiệp Esports, nơi chỉ cần một bức ảnh bị sắp xếp sai thôi cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Scandal "xếp chỗ tuyển thủ" và câu chuyện về tài trợ, quảng cáo trong Esports - Ảnh 4.

Thông báo chính thức của Team Flash về vụ việc.