Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, bóng đá diễn ra theo cách nào?

THANH ĐÌNH , 16:26 16/10/2019 | Hậu trường

Chia sẻ

Với Triều Tiên, mọi thứ đều bí ẩn. Vậy ở đất nước này, bóng đá diễn ra như thế nào, có giống với cái cách mà chúng ta vẫn biết? Chà, đó cũng là một bí mật.

Những trận derby trong bóng đá không phải lúc nào cũng hấp dẫn, nhưng chắc chắn luôn nóng bỏng và đầy đam mê, với sự cuồng nhiệt trên các khán đài khiến các cầu thủ tăng thêm máu lửa, lao vào nhau như thể không có ngày mai.

Những trận derby ấy, chỉ nghe đến thôi cũng khiến mọi con tim đập rộn ràng. Và trận derby bán đảo Triều Tiên giữa hai miền Nam - Bắc vào chiều 15/10 hẳn phải hứa hẹn lắm. Họ là anh em một nhà nhưng hai dòng Áp Lục, Đồ Môn đã chia cắt thành hai quốc gia thù địch và đối lập. Tất cả sẽ tạo nên một trận cầu rực lửa.

Nhưng, kỳ lạ chưa, không gì cả ở Bình Nhưỡng. Không phát sóng trực tiếp, không truyền thông quốc tế, không hát quốc ca, cả người hâm mộ đội khách cũng không nốt.

Thực ra thì từ năm 2010, sau thất bại kinh hoàng 0-7 trước Bồ Đào Nha, các trận đấu của tuyển Triều Tiên không còn được phát sóng trực tiếp. Nếu không phải chiến thắng, ngày hôm sau trên các trang báo chỉ có vài dòng vắn tắt tầm 50 chữ về trận đấu. Cuối cùng, do không có hiệp ước hòa bình nào với Hàn Quốc, họ không thích dân Hàn tới Bình Nhưỡng, mang theo quốc kỳ và hát quốc ca om sòm.

19748082-7574273-image-a-125_1571153468431

HÌnh ảnh về trận đấu giữa Hàn Quốc và Triêu Tiên do phía Triều Tiên cung cấp.

Phải đợi đến khi trận đấu kết thúc và các cầu thủ Hàn Quốc lục tục ra sân bay, người ta mới biết cũng chẳng có bàn thắng nào được ghi và hai đội hòa 0-0. Còn hình ảnh cùng video về những gì đã diễn ra thì sao? Sau khi được xem xét và sàng lọc kỹ lưỡng, tất cả đã được gửi đến các quan chức Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc lúc họ ra về.

Một lần nữa người ta phải kinh ngạc về Triều Tiên, đất nước bí ẩn và lạ thường nhất trái đất. Vì mọi hoạt động đều diễn ra dưới lớp sương mờ, rất nhiều câu chuyện đã được thêu dệt, như việc Triều Tiên lừa phỉnh người dân rằng họ vô địch World Cup 2010, hay các cầu thủ trở về sau thất bại đã bị tra tấn hoặc tống đi cải tạo ở những vùng nông thôn.

Thực tế không phải. Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất ở Triều Tiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác. Và tại World Cup 2010, người dân được xem đầy đủ 3 trận đấu để vô cùng tự hào dù thua Brazil 1-2, và rất thất vọng với thất bại 0-7 trước Bồ Đào Nha. Cho đến nay, những cầu thủ đã làm nên kỳ tích lọt vào tứ kết World Cup 1966, và suýt vào đến bán kết khi dẫn trước Bồ Đào Nha của Eusebio 3-0 nhưng thua ngược 3-5, vẫn được ca ngợi là những vị anh hùng.

19748090-7574273-image-a-126_1571153523320

Trận đấu diễn ra mà không có sự chứng kiến của giới truyền thông và khán giả đội khách.

Thậm chí trong những năm gần đây, bóng đá còn là cái gì đó mang tính bắt buộc. Christopher Green, một học giả tại Đại học Leiden (Hà Lan) nghiên cứu về Triều Tiên cho biết: "Kim Jong Un thích bóng đá. Và kể từ khi ông này lên nắm quyền vào năm 2012, đột nhiên chương trình giáo dục thể chất ở trường học tập trung nhiều vào bóng đá. Các lớp ở trường trung học được tổ chức lại thành các đội bóng đá để đào tạo, không quan trọng họ có thích bóng đá hay không".

Tuy nhiên, vì Triều Tiên rất khác thường, nên các trận đấu cũng vậy.

Năm 2004, Triều Tiên gặp UAE tại sân vận động Al Rashid và nhà báo James Montague của BleacherReport có mặt trong ngày hôm đó. Ông thấy khoảng 2.000 người hâm mộ Triều Tiên có mặt để theo dõi. Những người phụ nữ rực rỡ với bộ hanbok truyền thống, cầm hai mảnh gỗ hình chữ nhật buộc vào tay bằng chỉ màu cam để không bị đau khi vỗ tay. Còn những người đàn ông, tất cả đều mặc bộ đồ công sở với huy hiệu Kim Jong Il màu đỏ trên ngực.

Họ sẽ cổ vũ dưới sự giám sát của lực lượng an ninh đi theo, và hô vang khẩu hiệu "Vinh quang Kim Jong Il" theo hiệu lệnh của người chỉ đạo. Theo tìm hiểu của Montague, tất cả đều là công nhân xuất khẩu lao động đang làm việc tại UAE vốn chỉ nhận lại 10% tiền lương, còn 90% thuộc về chính phủ.

north-korea-football-2

ĐTQG Triều Tiên trước giờ xung trận.

Tại Triều Tiên cũng có giải chuyên nghiệp và hạng đấu cao nhất có tên DPR Korea League, với các đội bóng được gắn với cơ quan nhà nước. Vì đất nước này có một đội quân thường trực ước tính 1 triệu người và không gian công cộng được quân sự hóa cao, quân đội thống trị bóng đá Bắc Triều Tiên. CLB lớn nhất là 4.25, chính là ngày Kim Il Sung thành lập quân đội 25/04. Mới đây đội bóng này đã đánh bại CLB Hà Nội để tiến vào vào chung kết AFC Cup 2019.

Điều kỳ quặc là các giải đấu không có lịch thi đấu cụ thể. Cặp đấu và thời gian sẽ được công bố bên ngoài sân vận động một ngày trước đó. Thực ra thì trong nhiều năm, Triều Tiên cũng không có một giải đấu nào theo nghĩa truyền thống. Thay vào đó, sẽ có một loạt giải được tổ chức 2 tháng một lần, thường vào các ngày lễ lớn như sinh nhật của Lãnh tụ vĩ đại Kim Il Sung, hoặc Ngày Quân đội, đủ khiến các cầu thủ kiệt sức.

Tuy nhiên không ai than phiền vì điều đó. Như HLV cũ của Triều Tiên là Jorn Andersen từng nói: "Sống ở Triều Tiên rất dễ dàng. Sạch sẽ. Yên tĩnh. Không có nhiều xe hơi. Không có áp lực nào từ báo chí. Và không có ai bàn luận gì về bóng đá, còn các cầu thủ thì chỉ biết tuân theo, không bao giờ cãi lại".

Từ bên ngoài, Triều Tiên là dị thường và bí mật. Nhưng bên trong, tất cả diễn ra một cách bình dị như quả bóng vẫn lăn. Dĩ nhiên, theo cách của riêng họ.