Nghệ thuật trốn vé và câu chuyện về lòng tự trọng

Thanh Đình , 02:02 18/11/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Khi trốn vé được coi là nghệ thuật và nhận được sự đồng tình của số đông, đó quả là một bi kịch. Và nó cần phải chấm dứt, ngay bây giờ.

Vào tháng 11/2015, văn phòng Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Terengganu (một bang của Malaysia) bất ngờ nhận được một lá thư, mà nó thực sự gây sốc.

Trong đó, một người hâm mộ thú nhận đã lẻn vào sân vận động Sultan Mizan Zainal Abidin để xem trận đấu giữa Terengganu và Lions XII mà không có vé. Mặc dù không bị ai phát hiện, nhưng khi trở về nhà, anh ta cảm thấy day dứt không yên và sợ sẽ phải đối mặt với những phán xét một khi sang thế giới bên kia. Anh ta xin lỗi, đồng thời thề có Thánh Allah, sẽ không bao giờ tái phạm.

Câu chuyện này đã gây xôn xao dư luận Malaysia một thời gian. Hầu hết đều tỏ ra kinh ngạc, cho rằng anh chàng này "thuộc dạng quý hiếm và cần được bảo tồn".

Nghệ thuật trốn vé và câu chuyện về lòng tự trọng - Ảnh 1.

Một CĐV Boca Juniors cố chui vào sân vận động qua một lỗ thủng hồi năm ngoái, sau đó bị mắc kẹt.

Thật ra, ngay khi thể thao trở thành một sự kiện, việc trốn vé đã xuất hiện. Mặc dù không có tài liệu nào để chứng minh, nhưng bạn không bao giờ dám đảm bảo sẽ không có ai lẻn vào sân vận động Olympic khi Thế vận hội đầu tiên được tổ chức ở Hy Lạp năm 776 trước Công nguyên.

Tất nhiên vào thời kỳ sơ khai ấy, rất dễ để thực hiện hành vi này. Chỉ cần nhảy, hoặc chui qua bức tường là có thể dễ dàng có mặt trên khán đài. Ngày nay khó khăn hơn nhiều, khi quá nhiều hàng rào an ninh được dựng lên, đồng thời các nhân viên ở sân được hỗ trợ bởi vô số camera giám sát, chưa kể điện thoại di động của những người hâm mộ khác cũng sẵn sàng vạch trần kẻ đột nhập.

Nhưng, đừng bao giờ nói không thể. Ngay cả sân vận động Wembley, với hệ thống an ninh hiện đại bậc nhất thế giới, vẫn bị "bẻ khóa" như thường. Một người hâm mộ, sau khi trở về từ trận bán kết Cúp FA, đã nói rằng anh ta đàng hoàng đi qua cổng chính mà không mất vé. Các nhân viên đã bỏ qua anh ta, bởi bận tìm kiếm những vật phẩm bị cấm bằng máy dò kim loại và mặc định rằng CĐV đến sân đương nhiên có vé.

Nghệ thuật trốn vé và câu chuyện về lòng tự trọng - Ảnh 2.

Một người hâm mộ Việt Nam tìm đường vào bằng cách hối lộ nhân viên an ninh.

Old Trafford, một sân vận động nổi tiếng khác, cũng từng bị đột nhập. Đó là vào mùa hè năm ngoái trước trận đấu tôn vinh Michael Carrick, 4 thanh niên đã leo lên khách sạn Hilton và trèo vào bên trong, sau đó dạo chơi mái khán đài Stretford End, quay và tải lên Youtube.  

Với nhiều người, lẻn vào sân vận động được coi là một môn nghệ thuật, đầy mạo hiểm, kích thích và mang đến những trải nghiệm không thể có được ở bất cứ đâu. Nó còn được viết ra sách, bởi huyền thoại mang tên Dion Rich, người hiện đã 88 tuổi và dành cả cuộc đời để có mặt ở các sự kiện lớn mà không mất vé.

Có rất nhiều cách thực hiện một vụ đột nhập. Người ta có thể giả làm người bán đồ ăn lưu động, nhân viên phục vụ sân, phóng viên, hay một quan chức, thậm chí là cầu thủ. Hoặc nếu chịu được môi trường khắc nghiệt, có thể học theo hai CĐV vào năm 2016, sau buổi tham quan Old Trafford ngày 18 đã trốn vào toilet để chờ trận đấu giữa MU và Arsenal diễn ra vào ngày 19.

Nghệ thuật trốn vé và câu chuyện về lòng tự trọng - Ảnh 3.

Các CĐV dễ dàng kiếm một chỗ trong Mỹ Đình bằng cách leo lan can, dưới sự cho phép của nhân viên.

Ở Việt Nam không cần phải vất vả và cầu kỳ đến vậy. Bạn không thể mua được tấm vé với đúng giá của nó, trong khi số tiền bỏ ra cho đám phe lại quá cao? Không sao cả. Chỉ với vài trăm nghìn cho những tay cò hoặc nhân viên an ninh, người hâm mộ sẽ được đưa vào tận bên trong mà không gặp cứ bất cứ trở ngại gì. Dĩ nhiên, cũng không phải đối mặt với nguy cơ bị tóm, hoặc bị truy tố vì đột nhập bất hợp pháp.

Và, những kẻ trốn vé sẽ tự nhủ, điều quan trọng nhất là có mặt trên sân, tận mắt chứng kiến các cầu thủ thi đấu, được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt cùng với 40.000 người khác. Trong phút chốc, họ quên mất rằng, một người hâm mộ chân chính sẽ luôn đĩnh đạc đi bằng cổng chính và không bao giờ làm phương hại tới đội bóng mình yêu mến, cách này hay cách khác.

Một sân vận động dù hiện đại cỡ nào vẫn có lỗ hổng. Càng tệ hơn khi những lỗ hổng được tạo ra bởi chính những người trong cuộc, nhân danh và kiếm sống trực tiếp từ bóng đá. Người hâm mộ, thay vì chọn một cách cổ vũ khác, lại làm lợi cho chúng để bóng đá xấu xí và méo mó hơn.

Thật đáng buồn, những người có tự trọng như anh chàng vô danh người Malaysia, dù xuất phát từ nỗi sợ hãi mang tính tâm linh, đang ngày một ít đi, trở nên xa lạ và có thể bị biến thành trò cười cho phần còn lại của thế giới.    

Vào sân Mỹ Đình chưa chắc đã cần vé! | AFF Cup 2018