Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập

ANH TÚ , 09:48 10/11/2018 | Bóng đá Anh

Chia sẻ

Tấm lòng nhân ái của Mo Salah được ca tụng như những câu chuyện cổ tích về các vị thần ở Ai Cập. Nhưng khác những vị thần, Salah giống con người phàm tục hơn khi anh cũng phải trải qua bao sương gió cuộc đời để đi đến ngày vinh quang hiện tại.

11 khoảnh khắc đáng nhớ nhất sự nghiệp Salah

Ngôi làng nhỏ nơi Mo Salah lớn lên được bao bọc trong những bức tường gạch đỏ, nối dài bằng con đường trải đầy đá sỏi. Không khí trong lành, chẳng mấy bụi bẩn và đôi khi còn được ban tặng vài cơn gió mát mẻ từ bãi biển lung linh dưới ánh nắng chiều. Dường như, sự yên bình của làng Nagrig đã làm con người ở đây ai cũng hiền hòa và thân thiện.

Ở một quán café nhỏ vắng tanh nằm giữa trung tâm ngôi làng, anh bạn cũ của Salah, Ahmed al-Masery hào hứng chỉ lên chiếc TV nhỏ treo tường đang phát lại highlights trận đấu giữa Liverpool và Roma tại bán kết Champions League. "Ngày xưa tôi toàn chơi Playstation với cậu ấy bằng chiếc TV này", người đàn ông 35 tuổi tiết lộ.

Dĩ nhiên, Salah sẽ chọn Liverpool trong những trận đấu với Masery. Anh không nói thêm về kết quả. Chẳng biết liệu Salah trên sân và Salah ngồi sau tay cầm có điệu nghệ như nhau không? Đến giờ, nó vẫn là một câu hỏi lớn. Nhưng ít nhất có một điều mà Masery hay bất cứ người dân nào ở làng Nagrig sẽ nói về Salah khi được hỏi. Đó là tâm hồn của tiền đạo Liverpool chưa bao giờ bị "vấy bẩn" bởi thứ danh vọng anh đã đạt được trong quãng thời gian phiêu du khắp nẻo châu Âu.

Con tim bình dị giữa chốn phù hoa

Từ trung tâm làng Nagrig, đi bộ qua con đường xanh ngát cỏ linh lăng và lúa mì bạn sẽ tìm thấy căn nhà ba tầng của Mohamed Salah. Nhưng nếu không có người chỉ dẫn, có lẽ sẽ chẳng ai biết đây lại là "tư gia" của một trong những ngôi sao đình đám nhất thế giới lúc này. Trông nó bình thường đến nỗi tầm thường nếu đặt cạnh tên tuổi của anh. Mặt tiền căn nhà không sơn, mang màu vẩn đục và có cảm giác gì đó thật cũ kỹ. Cánh cửa sắt đóng kín như để tránh ánh mắt săm soi của báo giới.

Theo một người hàng xóm thân thiết với nhà Salah, từ khi nổi lên như một hiện tượng ở Premier League, tiền đạo của Liverpool đã phải dặn nhà mình đừng nói quá nhiều với báo chí. Anh sợ cuộc sống bình yên của gia đình sẽ bị đảo lộn, anh chẳng thích chỉ vì chút tiếng tăm của mình mà phá vỡ cái nhịp sống âm thầm của những cư dân làng Nagrig.

Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập - Ảnh 2.

Ngôi nhà bình dị nơi Salah được sinh ra tại Nagrig, Ai Cập.

Hành động của Salah khiến dân làng cảm phục bởi "đứa con" của Nagrig vẫn luôn giữ được lối sống chân chất, bình dị giữa chốn châu Âu hoa lệ. Dù vậy, báo giới có vẻ không vui lắm bởi họ cho rằng công chúng có quyền biết đời tư của một trong những ngôi sao sáng nhất thế giới hiện nay.

Nếu dạo quanh Nagrig, thật khó để tưởng tượng đây lại là nơi Salah lớn lên. Bởi hầu như chẳng có dấu tích gì chứng tỏ tiền đạo có biệt danh "Pharaoh" từng ở đây cả. Thường thì quê nhà các ngôi sao bóng đá giống như cái bảo tàng thu nhỏ của họ. Tranh ảnh, áp phích, còn có khi là cả tượng nữa xuất hiện ở khắp nơi như một lời nhắc nhở du khách thập phương về "di sản" đáng tự hào của họ.

Nhưng ở Nagrig thì khác. Từ nhà Salah ra phố, hay qua những con ngõ nhỏ đều không có lấy một tấm hình của ngôi sao số một Ai Cập. Nhưng không có nghĩa Salah không hề hiện hữu tại đây. Ở Nagrig, có một trường nữ sinh tên Azhari được xây dựng với tổng chi phí 8 triệu bảng Ai Cập. Và tất nhiên, người đứng đằng sau dự án này chính là Mohamed Salah. Theo ngài thị trưởng Maher Shatiya, cựu cầu thủ Chelsea và AS Roma còn tài trợ nhiều dự án từ thiện khác cho y tế hay các tổ chức cộng đồng.

Có một "truyền thuyết" được dân làng Nagrig đồn thổi khá nhiều. Đó là bên cạnh việc tài trợ cho các dự án từ thiện, Mo Salah còn đứng sau làm "ông tơ" các cặp vợ chồng sắp cưới nhưng lại gặp khó khăn về mặt tài chính. Nghe đồn, tiền đạo 25 tuổi thường xuyên bỏ tiền túi để giúp đỡ những cặp đôi này chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho lễ cưới với điều kiện không được nhắc đến tên anh. Có lẽ vì giao kèo kỳ cục kia nên các nhân chứng chưa bao giờ lên báo công khai tên tuổi ân nhân của mình.

"Tại sao người ta cứ thích rùm beng chuyện từ thiện trên báo? Công việc thiêng liêng như vậy phải làm trong bí mật. Cần gì ai biết chứ, chỉ cần Chúa thấu lòng chúng ta là được rồi", Hajji Mohammed El-Bahnasi, hội trưởng của quỹ từ thiện mang tên Salah bức xúc khi bị gặng hỏi quá nhiều về những công việc "không tên' mà Mo Salah âm thầm dành tặng cho người dân ở Nagrig.

Dù chưa có con số cụ thể nhưng khoảng 400 gia đình trong làng, bao gồm cả góa phụ, trẻ mồ côi hay những người ốm đau bệnh tật đều thừa nhận đã nhận được sự trợ giúp từ Mo Salah. El-Bahnasi tin rằng chính những hành động âm thầm của tiền đạo 25 tuổi đã giúp anh vươn tới đỉnh cao như lúc này.

"Thành công Salah đạt được ở Liverpool là trái ngọt cho tấm lòng nhân ái và lời cam kết với Chúa của cậu ấy. Có lẽ, Ngài đã đáp lại lời chúc phúc cho Salah của hàng triệu người dân Ai Cập trung thành".

Vị thánh trong lòng người dân Ai Cập

Thành công bất ngờ của Mohamed Salah sau lần trở lại Anh quốc thứ hai trong sự nghiệp đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi Ai Cập. Trước Salah, đất nước của những kim tự tháp không có bất kỳ ngôi sao bóng đá nào thật sự xuất chúng. Họ đôi khi phải ghen tỵ với Bờ Biển Ngà khi sản sinh ra những Didier Drogba, Salomon Kalou hay Cameroon với "Báo đen" Samuel Eto'o. Nhưng giờ, cả châu Phi phải hướng về Ai Cập bởi chắc chắn ở Lục địa đen lúc này, nói Salah số hai chắc chẳng ai dám nhận số một.

Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập - Ảnh 3.

Salah là chủ đề ưa thích của những sinh viên Ai Cập.

Tại khu sinh viên Bain El Sarayat thuộc Giza, có một bức tường lớn mang chân dung của chàng tiền đạo 25 tuổi. Tan học hay có chút thời gian rảnh rỗi, họ lại ngồi nhâm nhi tách cafe, bàn tán sôi nổi và dự đoán về số bàn thắng Salah ghi được. "Đặc sản" trong những quán cafe khu vực này là TV của họ vẫn thường phát đi phát lại highlights những màn trình diễn tuyệt đỉnh nhất của Mo Salah. Ngày nào cũng như ngày nào, đều như vắt chanh mà người ta xem hoài chẳng bao giờ ngán.

"Salah là mẫu hình lý tưởng cho những người trẻ", Islam Henmy, 20 tuổi, thừa nhận. "Anh ấy đã vươn mình từ đáy của xã hội để đạt được thành công ngày nay. Salah sinh ra trong một ngôi làng nhỏ và tôi cũng vậy. Tôi hâm mộ anh ấy đến nỗi để nguyên bộ râu giống luôn này".

Không như Nagrig, bạn có thể nhìn thấy Salah mọi lúc mọi nơi ở Cairo. Dạo bước trên các con phố của thủ đô Ai Cập, không khó để bắt gặp hình ảnh những em nhỏ khoác chiếc áo đỏ Liverpool có tên Salah in đằng sau lưng. Nó giống như thể một món hàng "thời thượng" mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải có trong tủ đồ. Bộ phận truyền thông của Liverpool cho biết số lượng người theo dõi tài khoản Facebook đội bóng đã tăng thêm hơn 500.000 người thuộc khu vực Ai Cập kể từ khi Salah đến sân Anfield vào tháng 7 năm ngoái.

Từ ngôi làng Nagrig nhỏ bé, Salah đã gắn kết mọi tầng lớp ở Ai Cập bằng nhân cách đẹp đẽ và thứ ma thuật trên sân cỏ. Không chỉ là những cậu trai trẻ với ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, Salah còn đem đến niềm tin vào sự thành công cho những người ở đủ giai tầng và nghề nghiệp khác nhau.

"Chúng tôi coi Salah là hình mẫu thành công, điều mà những người dân Ai Cập không thể đạt được tại đất nước mình. Ai Cập đã trải qua quãng thời gian khó khăn sau cuộc cách mạng với cảm giác thất bại nặng nề. Nhưng Salah đã cho chúng tôi thấy sự thành công có thể đến dù bạn ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chưa một người Ai Cập nào đạt đến đỉnh cao như cậu ấy lúc này", Mohamed Mokhtar, 34 tuổi, làm nghề quản lý bán hàng, cho hay.

Bên cạnh đó, thứ ma thuật và thành công mà Mo Salah đạt được đang ngày một thu hút người dân quan tâm đến bóng đá nhiều hơn. "Salah là thần tượng của mọi người. Rất nhiều người theo dõi bóng đá chỉ vì anh ấy, hãy hỏi những cô gái ở đây thì biết", Mohamed Ali Abdel Fattah, 36 tuổi, chia sẻ.

Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập - Ảnh 4.

Vấn đề không phải thật hay không thật, những người Ai Cập muốn tin vào "thánh" Salah.

Tầm ảnh hưởng của chân sút đang thi đấu cho Liverpool đến người dân Ai Cập lúc này có lẽ chẳng cần bàn thêm. Bảo anh là thánh sống trong lòng họ chắc cũng chẳng ai nói sai. Salah giống như một mẫu hình để người ta tôn thờ, một thứ hy vọng cho những mảnh đời tuyệt vọng và cũng là người gieo mầm những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn mỗi cư dân Ai Cập.

Những câu chuyện về anh thì nhiều vô kể nhưng đa phần là truyền miệng nhau nên sự thật là bao nhiêu cũng khó mà biết được. Tuy nhiên, giống như các vị thần trong tôn giáo, họ cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng để hướng người ta đến những giá trị tốt đẹp hơn. Chúng ta biết phần lớn những giai thoại đó đều là hư cấu nhưng vẫn luôn tin theo. Với người dân Ai Cập, các câu chuyện về Salah cũng mơ hồ như vậy.

"Những chuyện người ta hay nói về cậu ấy hầu hết là lời đồn", al-Masery, một người làng Nagrig nói. "Salah là một người tốt nhưng không hẳn những gì người ta kể về cậu ấy đều thật".

Nhưng không phải ai cũng quá quan trọng tính xác thực của những câu chuyện. Ở Cairo, trong một buổi offline trận đấu của Liverpool, khi được phóng viên của The Guardian hỏi thì đa phần câu trả lời nhận được là họ không thực sự quá quan tâm. Lý giải cho điều này, Omar Salem, một cổ động viên 29 tuổi chia sẻ: "Họ chẳng để ý đâu. Đơn giản bởi người Ai Cập muốn tin những câu chuyện đó là thật. Salah chiếm trọn tình yêu của tất cả, không ai có thể phủ nhận điều ấy".

Những chuyến xe bus cuộc đời

Các câu chuyện về Salah có phần hư phần thực, nhưng cuộc hành trình của cậu bé làng Nagrig trên chiếc xe bus 4 tiếng đến sân tập của đội Arab Contractors (nay đổi tên El Mokawloon) thì chẳng có chút nào là giả cả. Nếu những mẩu chuyện truyền miệng kia đưa hình ảnh của Salah đến gần hơn với ngưỡng "thần thánh" thì chuyến phiêu lưu của anh từ Nagrig đến châu Âu hoa lệ lại truyền cảm hứng mãnh liệt cho những trái tim đam mê cháy bỏng môn thể thao vua.

Ngay từ ngày còn nhỏ, Salah đã thầm mơ ước được như Zinedine Zidane, Ronaldo hay Francesco Totti. Có một người bạn nối khố đã từng nói với anh rằng: "Sẽ có ngày cậu trở thành một cầu thủ vĩ đại". Ban đầu, Salah không tin, mà chắc cũng chẳng ai có thể mơ về một ngày như thế. Nhưng cuối cùng, người bạn ấy đã nói đúng. Chuyến xe bus cuộc đời từ Arab Contractors đã đưa sự nghiệp của Salah đi từ Ai Cập, đến Thụy Sĩ, tới Anh, sang Italy rồi lại trở về Anh lần nữa.

Ban đầu, Mo Salah chơi cho một câu lạc bộ ở Basyoun chỉ cách làng Nagrig có 30 phút. Nhưng để vươn đến đẳng cấp cao hơn, anh gia nhập một đội bóng khác ở Tanta với khoảng cách tầm 1h30 phút. Tuy nhiên, sự nghiệp của tiền đạo này chỉ thực sự bước sang trang mới khi anh đầu quân cho Arab Contractors – đội bóng cách nhà Salah khoảng 4 tiếng đi xe.

Suốt 3, hay 4 năm kể khi Salah lên 14, anh đều đặn bắt xe bus từ nhà tới sân tập của đội bóng 5 buổi/tuần. Để đến sân tập kịp giờ, Salah phải rút ngắn thời gian học ở trường lại chỉ từ 7-9h, tức là anh chỉ học có 2 tiếng/ngày. Nghe có vẻ liều lĩnh khi đặt cược cả tương lai sau này vào cái nghề rủi ro như cầu thủ nhưng Salah đành phải chấp nhận để theo đuổi đam mê của mình. "Nếu không trở thành cầu thủ bóng đá, cuộc sống của tôi lúc này hẳn sẽ rất khó khăn", anh trải lòng trên trang chủ của Liverpool.

Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập - Ảnh 5.

Chuyến xe bus ngày nào cuối cùng cũng đã đưa Salah đến với Liverpool.

Thật may cho Salah là vế "nếu" đấy đã chẳng bao giờ xảy ra. Cuộc đời luôn có chỗ cho những kẻ dám mơ ước và dám đấu tranh. Quãng đường từ nhà Salah đến sân tập của đội bóng không chỉ tính bằng thời gian mà còn tính bằng cả số xe bus. Không đơn giản cứ lên xe là đi một lèo đến, thường thường, Salah phải đổi tới 3 chuyến xe mới có mặt được ở sân tập của Arab Contractors. Những hôm không may lỡ chuyến, anh phải bắt tới 4, 5 chuyến.

Từ Arab Contractors, tài năng của Salah nhận được sự chú ý của Basel. Tới năm 2012, anh được mời sang Thụy Sĩ chơi thử trong một tuần trước khi ban lãnh đạo đội bóng quá ấn tượng và quyết định trói chân Salah bằng bản hợp đồng 4 năm. Nhưng cuộc sống ở nơi xứ người chưa bao giờ là điều đơn giản. Tới Thụy Sỹ một thân một mình, Salah chịu cảnh lủi thủi giữa cái tấp nập của châu Âu vì anh không thể nói được tiếng Anh lẫn tiếng Thụy Sỹ. Cậu trai trẻ năm ấy mới 19 tuổi chỉ còn biết lấp đầy một ngày trống trải bằng những buổi tập cùng Basel rồi lại hòa vào dòng người dưới phố trên con đường trở về căn phòng khách sạn cô đơn. Không than vãn, không bỏ buộc, liệu ai có thể tưởng tượng được Salah đã phải đánh đổi gì đằng sau nụ cười luôn hiện hữu trên gương mặt anh ngày hôm nay?

Cuộc sống của Salah ở Basel chỉ dễ thở hơn kể từ tháng 1/2013 với sự xuất hiện của anh bạn đồng hương Mohamed Eleny, người sau này khoác áo Arsenal và trở thành đối thủ của Salah. Cùng năm đó, Salah ghi bàn loại Spurs khỏi vòng 1/8 Europa League và tiếp tục gây ấn tượng mạnh với pha lập công của Chelsea tại bán kết. Dù thất bại trước The Blues nhưng Salah và Basel vẫn xuất sắc hoàn thành mục tiêu đặt ra khi đăng quang chức vô địch quốc gia Thụy Sỹ vào cuối mùa.

Màn trình diễn tuyệt vời của Salah đã khiến Mourinho tức tốc yêu cầu ban lãnh đạo cấp tiền cho ông chiêu mộ cầu thủ có biệt danh "Messi Ai Cập". Trong bối cảnh Juan Mata vừa bị bán sang Manchester United, Salah hứa hẹn sẽ trở thành trụ cột của The Blues. Nhưng cuộc đời lần nữa lại trêu đùa anh. Mourinho sau những lời mời ngọt như đường đã tống Salah lên ghế dự bị. Ở Stamford Bridge khi ấy, Salah chỉ là sự lựa chọn thứ tư, sau Hazard, Oscar, Willian và cả Schuerrle.

Tất cả những gì cựu ngôi sao Basel làm được chỉ là 2 bàn thắng ít ỏi sau 13 lần ra sân. Như một lẽ tất yếu, anh bị đem cho Fiorentia và AS Roma mượn trước khi đội bóng thành Rome kích hoạt điều khoản mua đứt vào tháng 8/2015 với mức phí chỉ 5 triệu euro.

Nhưng gian nan mới rõ mặt anh hùng. Quãng thời gian ở Italy không làm Salah nhụt chí, nó cũng chỉ như chuyến xe bus ngày xưa anh đi từ Nagrig đến Arab Contractors mà thôi. Thành công không đến theo đường thẳng thì Salah đi đường vòng. Chelsea, Fiorentina và rồi là Roma giống như những chuyến xe từng bước, từng bước đưa Salah đến với vinh quang, hay cách khác, đến Liverpool – nơi có một Jurgen Klopp thực sự cần anh.

Đích đến

Mo Salah đang trải qua những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp cầu thủ trong màu áo Lữ đoàn đỏ. Dù không thể chiến thắng Luka Modric trong cuộc đua giành danh hiệu The Best thì với những người yêu bóng đá Anh, Salah cũng đã là niềm tự hào của xứ sở sương mù bởi đã rất lâu rồi mới có một ngôi sao ở Premier League có thể lọt đến top 3 đề cử cho danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Mohamed Salah – Vị Pharaoh có thật của người Ai Cập - Ảnh 6.

Mohamed Salah - Vị Pharaoh hiện đại của người dân Ai Cập.

Nếu ai đó hỏi anh rằng như vậy đã là thành công chưa, có lẽ họ sẽ nhận lại một cái lắc đầu đượm buồn. Salah từng nói mình muốn thay đổi cả nền bóng đá Ai Cập. Mà cánh én nhỏ thì đâu thể bừng sáng cả trời xuân. Đội tuyển của anh gục ngã ở World Cup 2018 sau 3 trận vòng bảng toàn thua và phải trở về trong sự tiếc nuối mặc dù từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú sốc ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Có lẽ, cả quãng thời gian còn lại trong sự nghiệp đỉnh cao vốn đã ít ỏi của đời cầu thủ, Mohamed Salah cũng chẳng thể thực hiện hoài bão to lớn ấy.

Chuyến xe bus nào rồi cũng đến điểm dừng. Chuyến xe đưa Salah và ĐT Ai Cập có lẽ đã kết thúc sau World Cup 2018 nhưng cuộc hành trình của anh trên các nẻo đường châu Âu sẽ vẫn tiếp tục. Trên chuyến xe đó, Salah không đơn độc. Anh có Mane, có Firmino, có ông thầy Jurgen Klopp và có cả những lời chúc phúc từ hàng triệu người dân Ai Cập cho người anh hùng đã khắc tên đất nước của những Pharaoh lên bản đồ bóng đá thế giới một lần nữa.

Salah sẽ còn đi xa đến đâu trên chiếc xe màu đỏ ấy, điều đó hãy để tương lai trả lời. Cứ biết rằng, dù có đi đâu, dù có làm gì, Salah vẫn mãi là đứa con của làng Nagrig bình yên, vẫn mang trong mình trái tim trong trẻo và niềm đam mê cháy bỏng như ngày còn thơ bé…