Lùm xùm trong thương vụ đình đám của Zeros (Phong Vũ Buffalo) và bài học về công tác giáo dục game thủ Esports

PHỤNG HIẾU , 17:32 01/06/2019 | Esport

Chia sẻ

Trong một ngành công nghiệp còn khá non trẻ, việc mắc những sai lầm, gặp phải những lỗ hổng là điều khó tránh khỏi. Quan trọng nhất là sau những vụ việc như vậy, người có trách nhiệm phải làm gì để giải quyết thật triệt để.

Thông thường, trong những kỳ chuyển nhượng, số tiền một đội tuyển bỏ ra để chiêu mộ một game thủ hay những phát biểu hùng hồn về mục tiêu trước mùa giải sẽ nhận được quan tâm lớn đến từ cộng đồng.

Thật đáng tiếc, điều mà người ta quan tâm trong những ngày qua về thương vụ của Zeros, ngôi sao trẻ sáng giá nhất LMHT Việt Nam lại không phải như vậy.

“Drama” giữa Zeros, PVB và GAM

Câu chuyện giữa Zeros, GAM và Phong Vũ Buffalo kéo dài suốt từ năm ngoái đến nay. Kể từ thời điểm tay chơi đường trên này thể hiện được khả năng của mình trong màu áo vàng đen, những tin đồn chuyển nhượng xuất hiện ngày một nhiều.

Gia nhập Phong Vũ Buffalo, Zeros được tham dự giải đấu CKTG năm 2018, lọt vào top 6 MSI 2019, có cơ hội đọ sức với những đối thủ hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ.

Lùm xùm trong thương vụ đình đám của Zeros (Phong Vũ Buffalo) và bài học về công tác giáo dục game thủ Esports - Ảnh 1.

Zeros nhận án phạt đúng thời điểm đỉnh cao nhất sự nghiệp.

Tuy nhiên vào thời điểm cộng đồng đang chờ đợi những thành tích tiếp theo của chàng game thủ trẻ tuổi, GAM Esports bất ngờ gửi đơn kiện lên VCS. Bằng chứng GAM đưa ra đủ thuyết phục để BTC giải đấu LMHT hàng đầu Việt Nam hủy hợp đồng của Zeros với Phong Vũ Buffalo, qua đó biến anh trở thành một tuyển thủ tự do.

Zeros, 18 tuổi, vi phạm luật quy định về “kêu gọi, xúi giục” (poaching, tampering). Anh thừa nhận hành vi của mình, theo thông báo trên trang Facebook của VCS.

Những dấu hỏi chưa có lời giải đáp

Trong lịch sử phát triển trở thành Esports của LMHT, có rất nhiều trường hợp vi phạm giống Zeros. Huyền thoại Doublelift từng bị Riot Games phạt vì tội “đi đêm” vào thời điểm anh khoác áo CLG. ĐKVĐ MSI 2019, Perkz và G2 Esports cũng từng một thời bị cả châu Âu lên án vì cách tiếp cận game thủ “mờ ám” của họ.

Đặc điểm chung của những vụ việc tương tự xảy ra ở châu Âu và Bắc Mỹ là các bên liên quan đều phải chịu những hình phạt rất nặng. CLG 2 lần nộp phạt lên Riot Games số tiền lên đến 12.000 USD. Doublelift cũng không tránh khỏi “búa rìu” từ dư luận sau khi cố tình lôi kéo người khác về dưới trướng.

Bằng hình phạt nặng như vậy, rõ ràng Riot Games không muốn những chuyện tương tự xảy ra trong tương lai. Cũng chính vì thế mà khi so sánh với cách xử lý của VCS, cộng đồng mạng liên tục đặt ra những dấu hỏi.

Theo thông báo của VCS, Phong Vũ Buffalo hoàn toàn “trắng án”, Zeros cũng chẳng phải nộp phạt một đồng nào. Suốt quãng thời gian chơi cho “trâu đỏ”, bỏ túi danh hiệu vô địch VCS hè 2018, xuân 2019, Zeros chỉ bị cấm thi đấu đúng... 6 trận.

Hình phạt này, theo đông đảo cộng đồng LMHT Việt Nam, quá nhẹ và thiếu công bằng. Phản ứng của họ là điều vô cùng dễ hiểu nếu nhìn vào những vụ việc tương tự ở Việt Nam trong quá khứ. Không lấy đâu xa, chính Minas, anh trai của Zeros cũng từng bị kết tội “đi đêm”. Chỉ có điều án phạt VCS lúc đó đưa ra lại là 3 tháng, bằng cả một mùa giải.

Lùm xùm trong thương vụ đình đám của Zeros (Phong Vũ Buffalo) và bài học về công tác giáo dục game thủ Esports - Ảnh 2.

Minas, anh trai Zeros cũng rơi vào trường hợp tương tự cách đây không lâu.

Khác với bóng đá hay bất kỳ bộ môn thể thao nào khác, chơi chuyên nghiệp LMHT thường xuyên là điều vô cùng quan trọng. Nắm bắt được meta, tiến bộ sau từng trận đấu là điều tối cần thiết đối với tất cả những người muốn theo đuổi sự nghiệp thể thao điện tử. Vậy nên án phạt của VCS đưa ra khi đó suýt chút nữa khiến Minas phải cân nhắc ý định chia tay với bộ môn này.

Quyết định của BTC VCS không hợp lý là một chuyện, cách GAM Esports tiến hành kiện Zeros lại đem đến những uẩn khúc khác.

Họ có trong tay bằng chứng Zeros “đi đêm” với Phong Vũ Buffalo trong một khoảng thời gian rất dài nhưng chỉ sử dụng nó một vài ngày trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa. Rõ ràng GAM Esports làm vậy là có lý do, trong bối cảnh họ liên tục đưa về những tuyển thủ tài giỏi để phục vụ cho mùa hè còn PVB thì khăng khăng khẳng định sẽ giữ nguyên đội hình.

Tất cả những yếu tố trên biến thương vụ Zeros trở thành drama chưa từng có trong lịch sử LMHT Việt Nam lẫn thế giới.

Câu chuyện về tính chuyên nghiệp trong Esports

Cũng chỉ mới gần đây, LMHT được công nhận là bộ môn thể thao trí óc thực thụ. Việc được xã hội công nhận giúp các game thủ, những người sớm từ bỏ con đường học tập để chọn LMHT, được coi trọng hơn, nhận được nhiều ưu ái hơn trước.

Lùm xùm trong thương vụ đình đám của Zeros (Phong Vũ Buffalo) và bài học về công tác giáo dục game thủ Esports - Ảnh 3.

LMHT được công nhận, nhưng các game thủ và tổ chức cũng phải chứng tỏ họ xứng đáng với sự công nhận đó.

Nhưng để xứng với sự công nhận của cộng đồng, các game thủ và tổ chức cũng phải thể hiện sự chuyên nghiệp tương tự như cầu thủ bóng đá hay các CLB. Tất cả thông tin cộng đồng xứng đáng biết như thời hạn hợp đồng của game thủ, lý do game thủ chia tay đội, hay những thông báo chính thức về thay đổi nhân sự... phải được đăng tải một cách rõ ràng, rành mạch.

Hơn nữa trong thế giới Esports nói chung, tuổi đời của các tuyển thủ thường rất trẻ. Vì thế thật khó trách những game thủ 18, 19 tuổi như Zeros khi họ mắc sai lầm.

Esports còn rất mới mẻ. Zeros, hay biết bao những game thủ khác đang đi theo con đường mới trước kia chưa từng được khai phá. Có lẽ vì thế, giờ đây ngoài việc đào tạo kỹ năng thì hành vi, ứng xử và hiểu biết của game thủ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. 

Nên có những lớp học giúp game thủ trẻ tuổi hiểu rõ hơn những quyền lợi họ được nhận cũng như trách nhiệm với tổ chức. Chỉ có bằng cách đó, những vấn đề tương tự Zeros mới được giải quyết thấu đáo.

Sẽ chẳng ai biết đến những lỗ hổng khi và chỉ khi nó hiện đến trước mắt. Vụ Zeros sẽ trở thành bài học cho BTC VCS, các đội tuyển và toàn bộ những người đang nuôi mộng trở thành game thủ chuyên nghiệp.