Jesse Lingard - Đằng sau nụ cười khiến người đời ghét cay ghét đắng

ANH TÚ , 14:30 08/02/2019 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Lingard đã trải qua một chặng đường dài để có thể khoác lên mình chiếc áo của Manchester United lẫn ĐT Anh. Niềm hạnh phúc được chơi bóng khiến cậu trai trẻ không thể ngừng cười, mặc cho người đời luôn miệng chỉ trích.

Chúng tôi bị "quạt" cho một trận tơi bời. Vâng, tôi đang nói đến một ngài "Máy sấy tóc".

Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện về huyền thoại "Máy sấy tóc" Sir Alex từ rất lâu rồi. Nhưng, bạn phải gặp ông nội tôi. Khi ấy, bạn sẽ thấy ông ở một đẳng cấp thực sự khác biệt.

Người "cha" đặc biệt của Lingard

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày tôi còn chơi ở học viện Manchester United. Khi ấy, lũ chúng tôi mới khoảng 11 tuổi thì phải. Đó là một trận đấu gặp Stoke. Và bạn biết đấy, thành phố này thì quá nổi tiếng với cái giá lạnh và những cơn mưa không ngớt. Có lẽ do thời tiết khác biệt nên chúng tôi đã chơi không thật sự tốt. Buồn cười ở chỗ hôm ấy cha mẹ các cầu thủ Stoke và Man United ngồi ngay cạnh nhau.

Trong một tình huống trên sân, một ông bố của cầu thủ bên phía Stoke buông lời phàn nàn với trọng tài và hình như còn nói thêm vài điều gì nữa. "Này, ngồi xuống đi. Con trai, ta bảo ngồi xuống đi", đang đá mà tôi nghe rõ giọng ông tôi trên khán đài như vậy.

Bạn phải hiểu ông tôi là kiểu người thuộc thế hệ cũ. Ông không khoái bóng đá chút nào. Hồi trẻ, ông còn từng là thành viên của đội tuyển bóng bầu dục lẫn cử tạ Vương quốc Anh. Chỉ đến khi tôi sinh ra rồi bén duyên với trái bóng, ông mới ắt đầu hứng thú với trò này. Ở nhà tôi vẫn còn giữ tấm hình hồi tôi mới 14 tháng, đang đá quả bóng màu đỏ đen. Lạ kỳ là hồi ấy tôi vẫn đóng bỉm, đi thì chưa vững mà đá ác liệt mới ghê chứ.

Ông đã luôn đi cùng tôi trên bước đường trưởng thành. Chính ông và bà nội đã nuôi dạy tôi nên người như hôm nay. Xưa lúc bé, tôi còn ngủ trên tấm đệm trong phòng ông bà.

Thú thật thì ông tôi gần như mù tịt về bóng đá. Nhưng bù lại, ông có thể sớm nhận ra tôi yêu nó thế nào. Năm tôi lên 4, ông đầu tư cho tôi hẳn những cuộn băng hướng dẫn tập luyện bóng đá. Chẳng hiểu bằng cách nào mà chúng đều có nguồn gốc từ Nhật Bản cả. Buồn cười lắm, bạn cứ tưởng tượng xem. Một người đàn ông Anh cao to, mỗi sáng nhâm nhi tách trà rồi coi mấy cuộn băng Nhật, ghi ghi chép chép.

Sau khi đón tôi từ nhà trẻ về, ông lại đèo tôi ra công viên và chỉ tôi coi mấy động tác hay ho ông vừa học được. Mà ngặt nỗi khi ấy tôi bé ton hon à. Quả bóng thì cao đến đầu gối rồi nên muốn đảo chân tôi cứ phải nhảy qua nhảy lại. Cuộc sống của tôi cứ trôi đi như vậy đấy.

Ông thực sự rất tâm huyết với công việc này. Ông muốn tôi trở thành một cầu thủ bóng đá. Mà ngặt nỗi, ở Warrington người ta chỉ khoái mỗi bóng bầu dục nên chẳng ai quan tâm tôi chơi bóng đá hay dở ra sao. Sau cùng, ông quyết định đưa tôi đến học viện Manchester United năm lên 7 tuổi. Khi ấy, một trong số những huấn luyện viên đã kéo ông ra và thì thầm: "Ông giấu thằng nhỏ ở đâu mà kỹ thế?".

Được đặt chân đến học viện này chẳng khác gì ước mơ biến thành sự thật. Nhưng không đứa trẻ nào có thể một mình ở đó. Tất cả đều cần những điểm tựa phía sau. Và bạn biết đấy, ông nội luôn bên tôi mỗi ngày.

Thôi, trở lại trận đấu dưới cơn mưa rào với Stoke. Ông tôi đang hét vào mặt người bố kia và bảo ông ta im mồm lại. Không khí cực kỳ căng thẳng. Ở dưới sân, chúng tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa. Theo trí nhớ của tôi, kết thúc trận đấu ấy, đội bóng đã thua vài bàn. Những đội khác không biết sao nhưng khi đã khoác lên mình chiếc áo Manchester United thì dù bạn mới 11 tuổi, đó cũng là một vấn đề lớn.

Tiếng còi mãn cuộc vang lên. Cả bọn lủi thủi rời sân, sẵn sàng hứng chịu cơn tam bành của huấn luyện viên. Nhưng thực ra, chưa cần vào phòng thay đồ, cả lũ đã nghe đủ luôn rồi.

Vâng, là ông tôi đấy. Ông đi thẳng xuống sân, kiểu "Chúng mày, lũ nhóc! Ra đây coi".

Cả bọn nhìn ông không hiểu gì.

Bàn tay ông chỉ thẳng vào mặt chúng tôi, "Nhục nhã! Không thể tin nổi mấy đứa đã làm trò gì hôm nay. Biến ra tự xem mình trong gương như nào đi lũ nhóc. Mấy đứa khiến gia đình mình thất vọng. Mấy đứa cũng nên tự thấy thất vọng về chính mình đi. Cả lũ chúng mày không xứng đáng mặc chiếc áo này".

Hahahahahaha.

Yo!

Chẳng biết nên khóc hay nên cười nữa.

Sau vụ lùm xùm với bố mẹ cầu thủ bên Stoke, tôi nhớ ông đã bị cấm đến 4 trận. Nhưng bù lại, tiếng tăm ông nổi như cồn luôn.

Nếu không có một cá tính mạnh mẽ như ông bảo ban, chắc chắn tôi đã chẳng được như lúc này.

Ngày nọ ở học viện, tôi bất chợt gặp Sir Alex và dĩ nhiên, tôi đã xin cụp cùng ông ấy một tấm ảnh. Ông nội tôi vẫn hay lấy bức ảnh đó ra và nói, "Ông ấy là boss cuối đấy. Đến một ngày, chắc chắn cháu sẽ được chơi cho ông ấy".

Jesse Lingard - Đằng sau nụ cười khiến người đời ghét cay ghét đắng - Ảnh 1.

Sau cùng, Lingard cũng được khoác lên mình chiếc áo đáng tự hào của Quỷ đỏ.

Nhưng vấn đề là người tôi nhỏ con quá. Hầu như tôi không tăng cân được, kể cả khi tống đồ ăn nhanh Maccies vào mồm. Thế rồi, ông bảo: "Ngày cháu bước ra khỏi khu vườn này cùng ta, cơ bắp cháu cần phát triển đáng kể đấy".

Biết sao không? Ông cải tạo khu vườn thành một phòng tập gym mini. Chán cái là nó hơi thô, chẳng có gì ngoài mấy đồ dụng cụ cả. Không nhạc nhẽo. Không radio. Chỉ có những chiếc đĩa sắt ở đó để phục vụ việc tập luyện. À thực ra có thêm miếng gốm nhỏ trên chỗ cửa ra vào. Đậu trên nó là con hồng hạc nhỏ luôn miệng "Xin chào. Xin chào".

Của bà tôi đó. Chút mềm mại cho phòng gym cứng nhắc. Nhưng dù sao cũng không khá hơn là bao.

Năm lên 9, tôi đến phòng gym Tony Whelan để đăng ký, "Ừm, thưa ông, liệu cháu có thể tập ở đây không ạ? Ông nội cháu muốn biết".

Và đáp lại, Tony nói: "Không, con trai. Con không thể".

Tôi vặn hỏi: "Ơ, vì sao lại thế ạ?".

Và ông ấy đập ngay một câu: "Vì nhóc mới 9 tuổi chứ sao".

Một chặng đường dài cho lần khoác áo Quỷ đỏ

Từ lâu, tôi đã biết thể hình nhỏ con này sẽ khiến tôi gặp nhiều khó khăn. Mà ngay cả khi đã lớn, cảm tưởng tôi vẫn như bơi trong chiếc áo đấu vậy. Bạn có thể nhìn tấm ảnh chúng tôi chụp ở Nike Cup mà coi. Ông anh tôi vẫn hay lấy nó ra để chọc tôi lắm.

Đó là trận gặp AS Roma.

Tôi, 15 tuổi, trông như thằng 10 tuổi.

Các cầu thủ đến từ Italy, 15 tuổi - chẳng khác gì các anh 25 cả.

Nhìn tôi chẳng khác gì một nhóc mascott đang chạy trên sân để pha trò cười...

Jesse Lingard - Đằng sau nụ cười khiến người đời ghét cay ghét đắng - Ảnh 2.

Lingard bộc lộ tài năng từ sớm nhưng thể hình nhỏ con khiến cậu gặp khá nhiều bất lợi.

Nhưng có điều có buồn cười hơn - chúng tôi thắng trận đấu đó và rất nhiều trận đấu sau nữa. Tôi chơi khá hay bất chấp sự thật là người tôi hầu như vẫn chẳng lớn nổi. Đến năm lên 16, tôi chứng kiến rất nhiều đồng đội nhận được những bản hợp đồng chuyên nghiệp. Vậy mà tôi thì không. Đau lắm chứ.

Phải nói thật nếu không có "boss cuối" Sir Alex, giờ này chắc tôi đã chẳng còn ở đây. Ngày nọ, ông ấy bố trí một buổi gặp riêng với tôi và gia đình trong văn phòng riêng. "Trường hợp của cậu sẽ cần thêm thời gian, Jesse. Đội bóng đặt nhiều kỳ vọng vào cậu. Nhưng phải thật bình tĩnh. Đến khi 22 hay 23 tuổi, cậu mới đủ sức chơi cho đội một".

Tôi không biết phải dùng từ nào để nói bạn nghe nữa. Chỉ biết, những gì mà Sir Alex nói thực sự có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Có lẽ, bạn nghĩ tôi sẽ thất vọng. Nhưng không, khi một huyền thoại như Sir Alex nói ông ấy đặt niềm tin ở bạn, chỉ vậy thôi cũng là quá đủ rồi. Bạn biết đấy, ông ấy đâu cần gặp trực tiếp tôi hay gia đình tôi đâu.

Nhưng đó chính là lý do vì sao Sir Alex lại là Sir Alex, và đó cũng là lý do vì sao Man United lại là Man United...

Có một ngày hồi còn ở học viện, khi ấy tôi cảm thấy rất tệ, kiểu như cả ngày hôm ấy chẳng có gì ra hồn. Tôi đang bước đi dọc hành lang thì nghe tiếng giày ai đó giẫm rất mạnh xuống sàn. Tôi tức tối quay lại, "Mẹ nó... Thằng nào thế?".

Và... đó là Sir Alex. Ông ấy cười một cách hóm hỉnh.

"Căng thẳng vậy, chàng trai".

Sir Alex chỉ làm vậy khi ông ấy thấy thích bạn và muốn chọc bạn một chút. Sau khoảnh khắc đó, người tôi cứ như trên mây. Ôi, "boss cuối", tôi muốn được chơi cho ông ấy một ngày không xa.

Và rồi, một ngày nọ, Sir Alex điền tên tôi và Pogba vào danh sách dự bị ở chuyến làm khách gặp Newcastle. Khi ấy, hai thằng mới 18, 19 tuổi thôi. Nhìn quanh phòng thay đồ, toàn là những huyền thoại - nào là Scholes, Rooney, Rio rồi cả Giggsy nữa chứ.

Ở cấp độ trẻ, khán giả đến coi chúng tôi chỉ khoảng 200. Nhưng đây tận 50.000 lận. Tôi quay sang Pog, nghĩ bụng nếu ông ấy mà cho vào sân chắc tôi tè sũng quần mất.

Phải nói thật, khi ấy tôi chưa thực sự sẵn sàng. Sir Alex đã đúng về những gì ông ấy nói với tôi vài năm trước. Tôi chẳng biết vì sao ông ấy lại có thể nhìn ra điều này, nhưng tóm lại ông ấy đã đúng. Tôi phải dành hơn 3 năm lang bạt từ Leicesterm Birmingham rồi Brighton mới có thể trở lại Manchester United. Kinh nghiệm từ quãng thời gian này thực sự quý giá. Khi bạn đạt đến đỉnh cao, người ta chỉ thấy vẻ hào nhoáng bề ngoài mà chẳng thể biết bạn đã đánh đổi những gì. Họ đâu biết những lúc tôi phải lủi thủi ăn tối trong khách sạn, nhớ nhà và rồi tự chất vấn bản liệu tương lai sẽ đi về đâu?

Khá buồn cười là mọi người cứ luôn chỉ trích tôi chỉ vì tôi hay cười khi thi đấu. Nhưng dù thế nào, tôi cũng chẳng đánh mất đi bản ngã của mình. Cũng như việc tôi sẽ chẳng bao giờ ngừng yêu bóng đá. Đừng phán xét khi khuôn mặt tôi luôn nở nụ cười, tôi tự biết ý nghĩa của việc khoác lên mình chiếc áo này mà. Tôi tự hiểu mình đã may mắn thế nào khi được đại diện cho Manchester United và tôi sẽ luôn tận hưởng từng phút giây được chơi bóng trên sân.

Năm 2014, tôi đá trận đầu tiên cho Manchester United gặp Swansea. Cả gia đình tôi hôm đó đều đã đến Old Trafford. Và bạn biết không, năm ấy, tôi 22 tuổi - y như những gì Sir Alex từng dự đoán.

Cuối cùng, tôi đã làm được rồi.

Nhưng nói chỉ kéo dài khoảng 20 phút, đầu gối tôi gặp phải vấn đề.

Chỉ nghe tiếng thôi, tôi đã biết ca này mình xong rồi. Sau trận đấu ấy, tôi còn nhớ anh trai mình đã khóc nức nở. Anh ấy hiểu chấn thương này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi thế nào. Ở cái tuổi ấy, chấn thương đâu chỉ là chấn thương. Nó là thời gian vàng bạc, nó là tất cả mọi thứ.

6 tháng sau đó, tôi phải rời xa sân cỏ. Không tập luyện, không đi lại, nói chung không làm gì hết. Đó có lẽ là quãng thời gian tồi tệ nhất cuộc đời tôi. Thực sự suy sụp. Đã có những lúc, tôi điên người tới độ tự vò đầu bứt tóc mình. Nhưng rồi, đó hóa ra lại là khoảng thời gian tốt để tôi nhìn lại cuộc đời mình. Mọi thứ rồi sẽ qua đi nhanh thôi. Ngay cả bạn có chăm chỉ, bạn có tài năng thì cũng chẳng có gì là chắc chắn cả.

Phải đến 14 tháng sau, tôi mới được khoác lên mình chiếc áo đấu của United lần nữa.

Tôi không thể ngừng cười từ lúc đó.

Và ngay cả khi bạn không thích, ổn thôi, tôi sẽ chẳng thay đổi đâu.

Câu chuyện về nụ cười không bao giờ tắt trên môi

Mỗi chúng ta đều đi trên những con đường khác nhau để đến với môn thể thao này. Có rất nhiều thứ mà bạn không thể thấu hết. Năm 2012, tôi ngồi trong phòng khách sạn Mariott và nhấm nháp món khoai tây có sẵn. Tôi hầu như không được thi đấu cho Leicester. Câu chuyện tương tự cũng đến với Vardy và Kane. Cả ba bọn tôi đều gặp phải những trắc trở như thế. Tất cả đều thèm muốn một lần được ra sân ở giải hạng nhất.

6 năm sau, chúng tôi đại diện cho cả nước Anh để thi đấu tại bán kết World Cup 2018.

Ai có thể giải thích được điều này chứ?

Mùa hè vừa qua ở Nga là quãng thời gian vui nhất trong đời tôi. Bạn chắc sẽ ngạc nhiên lắm, áp lực World Cup hiển nhiên là rất nặng nề rồi. Nhưng thú thật, ngày nào tôi cũng được cười vui vẻ. Gareth Southgate và các cộng sự của ông đã giúp chúng tôi rất nhiều. Cứ nhìn vào những tình huống bóng chết hay penalty của chúng tôi mà xem, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Tập luyện nghiêm túc nhưng đổi lại cả đội luôn được tự do thể hiện mình. Chúng tôi giống như một gia đình với những người anh em hài hước vậy.

Từng trận đấu ở kỳ World Cup vừa rồi, tôi cũng đều nhớ như in. Nhưng có chuyện này, chắc đến lúc xuống lỗ tôi cũng không quên được. Đôi khi nhớ lại, tôi cứ thấy quần mình ươn ướt.

Một ngày nọ, cả đội chúng tôi kéo nhau đến công viên. Mọi người xếp hàng để chuẩn bị chơi tàu lượn. Nhìn nó trông cũng ghê phết đấy. Có một cái sừng lớn và khi thổi một cái, cuộc chơi bắt đầu - điều này bạn biết rồi mà nhỉ?

Chúng tôi ngồi vào ghế. Trước mặt mỗi người là thanh sắt lớn để đảm bảo không ai bị bay ra.

Nhưng vì lý do nào đó, cái của Welbeck lại không hoạt động. Cậu ấy ngồi ngay phía sau tôi. Ban đầu, Welbz còn cợt nhả: "Haha, cái của tôi có vấn đề rồi bạn ơi. Báo kỹ thuật cái. Mà ông kỹ thuật đấu rồi nhỉ",

Nhưng chỉ vài giây sau đó, đoàn tàu đã rục rịch lăn bánh. Cậu ta kiểu: "Này! Này! Ai đó gọi tôi kỹ thuật viên đi".

Rồi cái sừng bỗng đột ngột vang lên.

BBBLLLLRRRRRRNNNNNT!!

Còn Welbz thì la lớn: "Yooooooooooooooooooo! YOOOOOOOOOOOO! YOOOOOOOOOOOOOOOOOO!!!!!!!!!!!!!!!!!"

Anh ấy đứng phắt dậy và nhảy khỏi chỗ ngồi.

Nhưng tôi đoán cái sừng đó không phải để báo hiệu tàu chạy bởi sau khi nó rú lên thì con tàu vẫn chưa di chuyển. Còn Welbz... cậu ta chạy vòng quanh, hốt hoảng và la hét ầm ĩ. Mấy nhân viên ở đó nhìn chúng tôi với ánh mắt khá là thương hại.

Dù sao cả lũ chúng tôi cũng suýt tè ra quần thật đấy...

Tôi nghĩ mình đã không còn chơi bóng một cách vui vẻ như thế kể từ khi còn nhỏ. Điều tuyệt nhất với chúng tôi là xem những đoạn video để thấy cả đội đã khiến mọi người ở nhà hạnh phúc thế nào. "Coming Home" ban đầu chỉ là một trò đùa, đến giờ nó vẫn chỉ là một trò đùa. Hoặc không? Nói sao nhỉ, cảm tượng như chiếc cúp đã suýt được về nhà rồi.

Chúng tôi đều tin rằng ĐT Anh hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa. Mọi người đều đã rất thất vọng sau trận gặp Croatia. Chẳng ai vui nổi, bạn hiểu mà. Tất cả đều buồn bã. Nhưng đến cuối ngày, tôi bỗng nhận ra những gì mình và đồng đội đã làm thậm chí còn hơn cả con số kết quả vô hồn.

Bóng đá dĩ nhiên là câu chuyện của những danh hiệu. Luôn luôn như vậy. Nhưng tôi hy vọng nỗ lực của cả đội đã thay đổi quan điểm của người dân cả nước được chút ít. Mong rằng các bạn hiểu rằng mình vẫn có thể ra sân thi đấu với nhiệt huyết cùng nụ cười nở trên môi - và vẫn giành được những kết quả tốt.

Jesse Lingard - Đằng sau nụ cười khiến người đời ghét cay ghét đắng - Ảnh 3.

Dù không thể đem chiếc cúp về nhà nhưng những gì Welbeck cùng các đồng đội Tam sư làm được ở World Cup 2018 cũng xứng đáng được ghi nhận.

Chúng tôi là một tập thể trẻ. Có nhiều cầu thủ bị đặt dấu hỏi lớn. Có nhiều cầu thủ đã phải đánh đổi rất nhiều để tới được ngày hôm nay. Hy vọng, nỗ lực của chúng tôi đã chứng minh rằng mình xứng đáng được khoác lên mình chiếc Tam sư.

Buồn nỗi là ông nội tôi không tới Nga xem được. Nhưng dù sao, ông vẫn theo dõi từng trận đấu của đội tuyển ở nhà. Bà thậm chí còn giúp ông giữ lại sạch các tờ báo ở giải năm ngoái. Sau khi tôi ghi bàn vào lưới Panama, một tờ báo đã đưa tấm hình to đùng của tôi lên cùng mẩu chuyện về ông nội - người đã bên tôi từ khi bắt đầu sự nghiệp.

Cho đến giờ, ông vẫn giữ tờ báo đó trong phòng khách. Một ngày nọ, khi tôi đang ngồi uống trà thì ông lôi nó ra, ông lại kỷ niệm thời World Cup. "Cháu nhìn xem... họ viết gì này, ông nội Jesse, một cựu lực sỹ Vương quốc Anh...".

Ông cười ngặt nghẽo rồi hướng ánh mắt ra khu vườn gym nho nhỏ...

"Cựu thôi à? Nhảm nhí, quá sức nhảm nhí...".