Hà Nội FC, chức vô địch V-League và những thứ không thể mua được bằng tiền

QUỐC BẢO , 07:16 11/09/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Hà Nội FC nhà bầu Hiển vừa lập kỷ lục mới của V-League khi vô địch trước 5 vòng. Họ xứng đáng thôi, vì họ giàu và mạnh – nhiều người bảo thế. Nhưng điều ấy không ý nghĩa bằng việc kể từ nay, người Thủ đô lại có một đội bóng để xem. Đấy là thứ mà có tiền cũng không mua được.

Tiền có thể sắm được cầu thủ giỏi và những HLV tài ba. Tiền có thể xây dựng được những mối quan hệ đủ thâm sâu và rộng rãi. Tóm lại, tiền giúp người ta đến với thành công và danh hiệu dễ hơn. Nhưng chỉ có tiền thì không lôi kéo nổi người hâm mộ đến sân, chưa nói chuyện lay động tình yêu của họ dành cho đội bóng.

Khán giả Hà Nội có yêu bóng đá không, có khát khao bóng đá không? Đương nhiên là có. Nó chỉ mai một đi khi bóng đá không còn đủ hấp dẫn người trẻ, trong khi người già hoặc trung trung tuổi thì vẫn còn váng vất trong đầu bóng hình những Công an Hà Nội, Thể Công… Họ rất khó chấp nhận một đội bóng mang danh Hà Nội, khoác áo Hà Nội nhưng phần hồn thì chẳng hề thuộc về mảnh đất này.

Hà Nội FC, chức vô địch V-League và những thứ không thể mua được bằng tiền - Ảnh 1.

Cách đây 6-7 năm, các cầu thủ Hà Nội thường xuyên phải thi đấu trong tình cảnh vắng bóng khán giả.

Nên là mới xảy ra nghịch lý. Sân Hàng Đẫy chỉ đông khi Hải Phòng, Thanh Hoá, SLNA hay HAGL thế hệ Công Phượng, Văn Toàn… đến đây làm khách. Phần còn lại của mùa giải, đội chủ nhà hầu như toàn thi đấu với những khán đài hoe hoắt.

Đã có những mùa bóng, Hà Nội - khi ấy còn mang tên T&T HN, rồi HN T&T, phải trưng dụng lực lượng cổ động viên là cán bộ, công nhân làm thuê cho bầu Hiển, hoặc lứa trung niên rỗi việc. Có họ mỗi chiều cuối tuần, khán đài đỡ quạnh hiu, nhưng cứ nhìn vào họ thì lại thấy chạnh lòng. Đấy không thể nào là hậu phương đích thực của một CLB, nơi mà cầu thủ nhìn lên để cống hiến, tận tâm và máu lửa.

Bầu Hiển cảm nhận rõ điều này hơn ai hết. Vì ông là một người yêu bóng đá trước khi trở thành một doanh nhân tìm kiếm nguồn lợi từ bóng đá.

Có lẽ những chiếc Cúp hạng Nhì, hạng Nhất, rồi bộ sưu tập V-League bày đầy phòng truyền thống không giúp bầu Hiển cảm thấy đó là một gia tài. Ông vẫn còn nghèo, dù thật sự đã đổ ra rất nhiều tiền.

Hà Nội FC, chức vô địch V-League và những thứ không thể mua được bằng tiền - Ảnh 2.

Công Vinh, một người con xứ Nghệ, từng được coi là "bộ mặt" đại diện của Hà Nội T&T

Tiền ấy giúp ông có được Dương Hồng Sơn từ thuở "hồng hoang", săn đón Công Vinh trong giai đoạn cần làm hình ảnh và luôn luôn thuê được những ngoại binh chất lượng, bền lâu như Cristiano, Gonzalo và sau này là Hoàng Vũ Samson. Tiền ấy giúp ông mỗi năm leo một hạng nhưng cũng mỗi năm lại "thay máu" một lần. Đấy là việc buộc phải làm để duy trì mục tiêu, nhưng cũng vì thế mà HN T&T mang dáng dấp của một đội bóng ăn đong, thậm chí là đội bóng… lưu vong.

Dòng máu chảy trong đội khi đó là của Sông Lam, của Thanh Hoá, đôi khi pha trộn thêm Khánh Hoà, Đồng Tháp, Tiền Giang… Chính sách săn đầu người giúp HN T&T ngày một mạnh hơn, nhưng không thể nâng cấp tình yêu của người hâm mộ.

Quyết tâm của bầu Hiển là rất rõ ràng: đưa đội bóng vào trong lòng khán giả. Ngoài các danh hiệu cứ tuần tự chảy vào túi, Hà Nội còn âm thầm xây dựng chân đế bằng những lứa trẻ được đào tạo ngày càng bài bản, chất lượng hơn. Đã đến lúc họ phải đứng trên đôi chân thực sự của mình, thay vì đi vay mượn, thuê mướn từ các vùng miền khác.

Hà Nội FC, chức vô địch V-League và những thứ không thể mua được bằng tiền - Ảnh 3.

Những cầu thủ trẻ xuất thân từ lò đào tạo của CLB trưởng thành nhanh chóng và bắt đầu gặt hái được thành công.

Ông chủ Hà Nội FC dĩ nhiên chẳng phải đã cạn tiền, nhưng sau vụ Công Vinh "lật kèo" để về với bầu Kiên, bầu Hiển càng thấm thía một điều: chỉ có thể trông cậy vào những thứ do chính tay mình trồng cấy. Sau Văn Quyết, Thành Lương, bầu Hiển gần như không màng đến chuyện mua thêm các ngôi sao nữa.

Thay vào đó, Hà Nội đôn dần các cầu thủ trẻ lên đội chính và nhờ được "cài cắm" để chơi bên cạnh các đàn anh, họ thích ứng rất nhanh. Gối vài vụ như thế, HLV Phan Thanh Hùng, và bây giờ là Chu Đình Nghiêm, đã có một lực lượng đủ dày và chín ngay khi tuổi đời còn măng sữa.

Bây giờ, không, thực ra là từ 2 năm trước, Quyết và Lương đã có thể an tâm sắm vai lão tướng. Vì ở đằng sau họ là những Hùng Dũng, Văn Hậu, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Thành Chung, Văn Kiên…, đều là tuyển thủ quốc gia ở những cấp độ khác nhau.

Như một hiệu ứng tất yếu, khán giả phát cuồng vì cầu vồng tuyết Thường Châu hay kỳ tích tại ASIAD thì cũng mở lòng chia sẻ tình yêu với Hà Nội của bầu Hiển như họ đã từng ái mộ HAGL của bầu Đức. Họ có thể không cần quan tâm bầu Hiển sở hữu bao nhiêu đội bóng, cũng chẳng câu nệ Hà Nội vô địch V-League trước mấy vòng. Họ chỉ cần thấy Hải "Đông Anh", Hậu "Thái Bình" hay Duy Mạnh điển trai cao mét tám từ đội tuyển trở về, và họ đến sân Hàng Đẫy.

Hà Nội FC, chức vô địch V-League và những thứ không thể mua được bằng tiền - Ảnh 4.

Hà Nội ăn mừng chức vô địch thứ 3 cùng khán giả thủ đô.

Họ đến bằng những bước chân tự nguyện và hào hứng. Họ đến vì một đội bóng địa phương đã thực sự mang hồn cốt địa phương. Và lúc này, câu chuyện phải đi thuê cổ động viên để lấp vài hàng ghế đã có thể xếp vào ký ức được rồi.