Với những người theo dõi trận đấu giữa ĐT Nhật Bản và ĐT Việt Nam, tất cả đều dễ dàng nhận ra sự chênh lệch về đẳng cấp và khả năng kiểm soát bóng của từng cá nhân. ĐT Nhật Bản không tạo ra một thế trận quá nhanh hay mạnh mẽ, thế nhưng họ vẫn có được điều mình cần, đó là bàn thắng và 3 điểm.
Trong khoảng 15 phút đầu tiên, ĐT Nhật Bản thi đấu rất chậm rãi. Thậm chí, Quang Hải và các đồng đội còn có thời điểm cầm bóng, triển khai đến khoảng 1/3 cuối sân. Tuy nhiên, đúng vào lúc đội bóng áo đỏ dâng cao đội hình lên đôi chút, Minamino đã nhìn ra khoảng trống và thực hiện một cú bứt tốc không thể ngăn. Ngôi sao của Liverpool sau đó đã căng ngang thuận lợi để Ito ghi bàn thắng duy nhất.
Trong tình huống lần thứ 2 Ito sút tung lưới Tấn Trường, ĐT Việt Nam cũng bị "phản đòn" khi đang cố gắng tấn công. Tuy nhiên, siêu phẩm này đã bị VAR từ chối một cách đáng tiếc.
Theo AFC, ĐT Nhật Bản cầm bóng đến 66,9%. Thời lượng bóng lăn ở khu vực 1/3 sân phía Nhật Bản cũng chỉ là 13,7%. Điều này cho thấy các học trò của HLV Park Hang-seo bất lực đến thế nào trong việc triển khai tấn công.
45 phút của hiệp 2 diễn ra một cách chậm rãi, ĐT Việt Nam "từ từ" bị bóp nghẹt. Tỷ lệ kiểm soát bóng giảm từ 42% của hiệp một xuống chỉ còn 33,1%. 45 phút đầu tiên, ĐT Việt Nam sút 4 lần, nhưng cả hiệp 2 chỉ có 1 pha dứt điểm. Dù đã thực hiện rất nhiều sự thay đổi nhưng HLV Park Hang-seo cũng không thể xoay chuyển thế trận.
ĐT Việt Nam chỉ có 1 lần sút bóng trúng đích so với 5 của đối thủ. Thậm chí, trong một thế trận thua thiệt, đội bóng áo đỏ còn kém hơn đối thủ về chỉ số phòng ngự. Chúng ta chỉ có 10 lần tắc bóng, thành công 6 lần. Trong khi ĐT Nhật Bản có 14 lần tắc bóng (tỷ lệ thành công 78,6%). Điều này cho thấy, dù có muốn áp sát, các cầu thủ của Việt Nam cũng rất khó tìm thấy cơ hội đoạt bóng trong chân đối phương.
Sau trận đấu, lần đầu tiên HLV Park Hang-seo thừa nhận rằng chưa bao giờ cảm thấy giành 1 điểm khó khăn như vậy. Trước ĐT Nhật Bản không có phong độ cao nhất, Việt Nam vẫn không thể tìm ra bất kỳ cơ hội rõ ràng nào. Chênh lệch đẳng cấp là điều chúng ta phải thừa nhận, đó không phải là điều có thể rút ngắn chỉ trong 1-2 năm.
Bản đồ nhiệt hoạt động của các cầu thủ Nhật Bản (trái) và Việt Nam (phải)
Bạn nên quan tâm