Đồng tiền cũng bất lực với sự thụt lùi của bóng đá Trung Quốc?

THANH ĐÌNH - GIANG NGUYỄN , 18:04 10/09/2019 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Những năm qua, bóng đá Trung Quốc đã đi từ thất bại đến thất bại, mà không có bất cứ dấu hiệu nào tươi sáng cho tương lai. Tại sao vậy, sau rất nhiều công sức, tiền bạc đã đổ ra phục vụ giấc mơ về một siêu cường bóng đá?

Ngày 12/06/2013 là một ký ức nhục nhã của bóng đá Trung Quốc, mà theo tờ Tin tức Bắc Kinh, "một chương mới đáng xấu hổ đã được viết ra". Đội tuyển của họ, vốn mệnh danh là "Team Dragon", nhận thất bại ê chề 1-5 trước Thái Lan ngay trên sân nhà Hợp Phì. Và sau đó, trên Sina Weibo xuất hiện cuộc đối thoại nổi tiếng giữa một người hâm mộ Trung Quốc và một người hâm mộ Thái Lan, với nội dung như thế này:

 - Ảnh 1.

- Chúng tôi tự hào với 5.000 năm lịch sử.

- Đội của bạn đã thua 1-5

- Chúng tôi có diện tích 9,6 triệu km2.

- Đội của bạn đã thua 1-5.

- Cứ năm người trên thế giới thì có một người là người Trung Quốc!

- Đội của bạn đã thua 1-5.

- Bạn không thể nói điều gì khác ngoài bóng đá à?

- Ok, bạn ăn thực phẩm độc hại mỗi ngày.

- Bạn hít thở không khí độc hại.

- Dù bạn cố gắng cả đời cũng không thể mua được nhà.

- Hãy tiếp tục nói về bóng đá, được chứ?

- OK, đội của bạn đã thua 1-5.

6 năm trôi qua kể từ ngày đó, và cũng là 6 năm Trung Quốc ôm mộng hóa rồng. Họ tạo nên giải đấu xa hoa gọi là China Super League, với tiềm lực tài chính tưởng như vô tận, đủ thu hút những ngôi sao và HLV hàng đầu thế giới. Các Học viện bóng đá cũng mọc lên như nấm, chắp cánh cho các tài năng trẻ ở đất nước tỷ dân. Mục đích cuối cùng là Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá, sẽ vô địch Asian Cup và thường xuyên góp mặt ở sân chơi World Cup.

Thế nhưng cho đến nay, giấc mơ chỉ là giấc mơ và bóng đá Trung Quốc vẫn dậm chân tại chỗ. Đầu thập niên 2010, họ xếp thứ 71 trên BXH FIFA. Bây giờ là năm 2019, sau một chặng đường dài, họ… vẫn đứng thứ 71. Ngay cả khi được dẫn dắt bởi HLV từng vô địch thế giới, Marcello Lippi, tình hình cũng không được cải thiện. Team Dragon thất bại thảm hại ở Vòng loại World Cup 2018, Asian Cup 2019. Hồi tháng 3, Trung Quốc tổ chức China Cup chỉ để chứng kiến 2 trận thua tủi hổ của Team Dragon, trước Uzbekistan và, một lần nữa, trước Thái Lan.

Và nếu coi đội trẻ là tương lai bóng đá Trung Quốc, thì đây, ở trận giao hữu với U22 Việt Nam tại Vũ Hán, U22 Trung Quốc thúc thủ 0-2. Lưu ý rằng đội bóng này được dẫn dắt bởi Guus Hiddink, người từng tham dự 3 kỳ World Cup với 3 ĐT khác nhau và một trong số đó là Hàn Quốc, đội vào đến bán kết năm 2002.

Giá như thất bại tại Vũ Hán là một tai nạn, người Trung Quốc có thể giả vờ rằng họ vẫn đang đi đúng hướng, và những chàng trai cao lớn lực lưỡng của Hiddink sẽ có một tương lai xán lạn.

U22 Việt Nam đánh bại U22 Trung Quốc một cách nhẹ nhành

Than ôi, đây lại là một trận thua "tâm phục khẩu phục", "không có gì để bào chữa" và "đáng xấu hổ", theo lời báo giới xứ tỷ dân. Đội tuyển của họ kém cỏi về mọi mặt, không bản sắc, nghèo nàn ý tưởng trong tấn công và tổ chức kém khi phòng ngự.

Hai bàn thua họ phải nhận, là hai lần Tuấn Tài dễ dàng thoát xuống cánh, cắt vào trong và thoải mái đưa bóng vào khu cấm địa, nơi Tiến Linh chờ sẵn để bắn hạ thủ môn đối thủ. Nhìn cái cách Trung Quốc phòng thủ, người ta lại phải đặt câu hỏi về tinh thần của các cầu thủ. Trong nhiều năm, tuyển thủ của Team Dragon luôn bị nghi ngờ về sự quyết tâm, khát khao chiến thắng và niềm tự hào dân tộc. Có vẻ như điều này chưa bao giờ được cải thiện.

Vậy Trung Quốc đã làm sai điều gì? Đây là câu hỏi lớn không dễ trả lời. Nhưng một trong số nguyên nhân đến từ việc phát triển gấp gáp trong khi lại thiếu những nền tảng cơ bản, mà tiền đôi khi không thể bù đắp nổi.

Ví dụ, trong kế hoạch 50 điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ có 20.000 lò đào tạo bóng đá vào năm 2020, và tăng lên 50.000 vào năm 2025 với 50 triệu học viên. Vấn đề là đất nước này không có đủ HLV tương ứng. Và tiêu cực này sinh.

 - Ảnh 3.

Theo Mario Castro, người có chứng chỉ huấn luyện UEFA B và đang làm việc ở Trung Quốc đã chỉ ra 3 loại HLV phổ biến tại đây, gồm HLV giả mạo, HLV không đủ chuẩn và HLV tồi. Cựu tuyển thủ Xie Hui, hiện là trợ lý HLV của Shanghai SIPG thì than thở: "Ngay cả tài năng cỡ Wu Lei vào tay họ cũng bị thui chột, đừng nói là những cầu thủ trẻ khác".

Sự gia tăng về quy mô của China Super League cũng không giúp ích gì cho ĐTQG. Lo ngại trước cuộc đổ bộ của những ngôi sao thế giới, LĐBĐ Trung Quốc đã ra quy định về số cầu thủ bản địa trong đội hình. Và thế là, nhiều cầu thủ nội chất lượng thấp vẫn được ra sân. Quy tắc bắt buộc phải sử dụng cầu thủ U23 cũng trở thành trò hề đúng nghĩa. Hồi tháng 7 mới đây, Tianjin Tianhai lách luật bằng cách đưa Wen Junjie 22 tuổi vào đội hình xuất phát, rồi rút ra sau… 15 giây.

Cuối cùng, để đối phó với tình trạng khan hiếm tài năng, Trung Quốc quyết định đốt cháy giai đoạn bằng việc nhập tịch. Vào tháng 1, Nikola Petkovic người Serbia trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên chơi cho Trung Quốc ở cấp độ đội tuyển (U25). Tháng 8, Elkeson, một người Brazil chính hiệu, được gọi vào Team Dragon. Sắp tới có thể là Ricardo Goulart, Alan Carvalho, Aloisio Goncalves và Fernandinho.

 - Ảnh 4.

Trung Quốc bắt đầu nhập tịch những cầu thủ ngoại đắt giá mà họ mang về từ khắp nơi trên thế giới.

Động thái này vừa nói lên sự mất kiên nhẫn, vừa phơi bày sự thất bại trong kế hoạch hóa rồng của bóng đá Trung Quốc. Và trở thành một siêu cường bóng đá vẫn là một giấc mơ xa vời.

Vào năm 2013, trong một bài xã luận trên tờ Southern Metropolitan Daily có viết, thế kỷ 21 chứng kiến sự nhảy vọt của nền kinh tế Trung Quốc, khiến nhiều người ảo tưởng rằng "sự trỗi dậy của Trung Quốc" bao gồm cả bóng đá. Thế nhưng càng ngày, bóng đá ở xứ tỷ dân càng tiến gần đến vực thẳm, bất chấp sự đầu tư không giới hạn về tiền bạc và công sức.

Sau 6 năm, Trung Quốc vẫn đi từ thất bại đến thất bại, và những thứ họ bỏ ra chỉ đổi lấy sự bất mãn của người hâm mộ trong nước cùng những lời chế giễu từ bên ngoài.