David De Gea - Từ "thánh sống" MU thành "thánh bóp" đội tuyển

ANH TÚ , 15:38 09/09/2018 | Bóng đá Anh

Chia sẻ

Không ai có thể phủ nhận De Gea là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đó là chuyện ở cấp độ câu lạc bộ. Tại đội tuyển quốc gia, phong độ thất thường của anh từng không ít lần đẩy Bò tót vào thế khó.

Highlights Anh để thua ngược trước Tây Ban Nha

Có một sự thật không thể chối cãi là dù bạn yêu hay ghét Manchester United thì David De Gea vẫn là thủ môn xuất sắc nhất của Ngoại hạng Anh. 5/6 năm gần nhất, thủ thành người Tây Ban Nha đều đã lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu hấp dẫn nhất xứ sương mù và 4/5 mùa gần nhất, anh cũng là chủ nhân của giải thưởng "Cầu thủ xuất sắc nhất năm" tại Manchester United. 

Còn nhớ, hồi tháng 12 năm ngoái trong chiến thắng trước Arsenal, De Gea đã thực hiện tổng cộng 14 pha cứu thua cho Quỷ đỏ, qua đó cân bằng kỷ lục mà Tim Krul đã lập nên vào tháng 11/2013. Đó chỉ là một trong số vô vàn những trận đấu xuất sắc của cựu thủ môn Atletico Madrid từ ngày chuyển đến khoác áo MU. Không biết do được tôi luyện bởi hàng thủ khá "cùi" của Quỷ đỏ hay sao nhưng từ một chàng trai trẻ lóng ngóng ngày mới tới, giờ De Gea thực sự là một cơn ác mộng với mọi hàng tiền đạo. Anh phản xạ tốt, phán đoán cực nhanh và chẳng bao giờ biết run sợ trước bất kỳ thứ áp lực nào...

David De Gea - Từ thánh sống MU thành thánh bóp đội tuyển - Ảnh 2.

Có một De Gea xuất chúng như thế phía dưới hàng thủ "cùi bắp" của Manchester United.

Nhưng đó là câu chuyện của "thánh" De Gea tại Manchester United, còn tại ĐT Tây Ban Nha, muốn phong "thánh" cho anh chắc cần phải xem lại. Người ta bắt đầu đặt hoài nghi về khả năng của thủ môn 27 tuổi sau màn trình diễn thảm họa của anh trước Bồ Đào Nha tại World Cup 2018 vừa qua khi anh để lọt lưới tới 3 bàn khiến Bò tót chỉ giành được 1 điểm dù là đội chơi hay hơn. Mới đây, De Gea cũng tiếp tục thủng lưới thêm 1 bàn trong trận đấu tại UEFA Nations Cup với ĐT Anh. Thống kê cho thấy, trong 12 cú sút trúng đích gần nhất về phía khung thành De Gea (tính cho tới bàn thắng của Rashford), thủ thành người Tây Ban Nha chỉ cản phá được duy nhất 1 lần - con số thực sự thảm hại cho De Gea.

Thủ môn cũng như mọi vị trí khác trên sân, ai cũng có lúc sai lầm. Tuy nhiên, có lẽ do đặc thù của vị trí này nên người ta thường nhớ hơn các bàn thua của họ thay vì pha bỏ lỡ cận thành của một tiền đạo. Nhưng dù thế, đó cũng không phải lý do để bao biện cho màn trình diễn khá tồi tệ của De Gea trong màu áo Bò tót.

Để lý giải nguyên nhân vì sao, trước tiên hãy nhìn vào số đường chuyền thành công của De Gea. Tính tới thời điểm này của mùa giải, hiệu suất chuyền chính xác của anh đạt 50%, mùa trước là 57.5%. Về cơ bản đây không phải con số quá lo ngại với một thủ môn nhưng nói chung thì nó cũng chẳng xuất sắc lắm. 

Nhìn sang Ederson, người gác đền trong cùng thành phố với De Gea, thủ thành này đạt hiệu suất 85.3% mùa trước. Khó có thể chỉ trích thủ môn của MU bởi lối đá mà Mourinho và Pep Guardiola xây dựng rất khác nhau. Nhưng cần biết, ngay cả dưới thời một HLV ưa triển khai bóng từ tuyến dưới như Van Gaal, "thánh" De Gea cũng chỉ thưc hiện chính xác 60.7% đường chuyền.

David De Gea - Từ thánh sống MU thành thánh bóp đội tuyển - Ảnh 3.

De Gea phản xạ rất hay nhưng kỹ năng chơi chân của anh lại không tỷ lệ thuận với điều đó.

Vào thập niên 80, ĐT Cameroon may mắn sở hữu đồng thời cả hai thủ môn được đánh giá là xuất sắc nhất châu Phi, Thomas N'Kono và Joseph-Antoine Bell. Thú vị là cả hai người gác đền này lại có phong cách chơi rất khác nhau. Trong khi N'Kolo là mẫu thủ môn an toàn, thích lùi sâu sau hàng thủ và chơi phản xạ tốt như De Gea thì Bell lại đối lập hoàn toàn. Anh thích bỏ khung gỗ và di chuyển lên trước, có thể hiểu nôm na là kiểu thủ môn quét như Neuer bây giờ.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. ĐT Cameroon chưa bao giờ dám thẳng thừng bỏ ai, chọn ai. Thay vào đó, tùy từng trận đấu họ lại điều chỉnh hàng thủ chơi theo phong cách của người ra sân. Trận này đá kiểu N'Kono thì trận sau đá kiểu Bell, cứ lặp đi lặp lại như thế.

Tuy nhiên, giải pháp có phần chữa cháy này hóa ra lại gây hại cho chính Cameroon khi họ bị ĐT Anh loại ở tứ kết World Cup 1990 - ở trận này, N'Kono là người được chọn. Khi nhắc lại thât bại đáng quên trước Tam sư, Bell không giấu nổi sự tức giận.

"Vì tôi không được ra sân nên các cầu thủ không dám dâng cao. Họ hiểu rằng những đường chọc khe sẽ trở thành tử huyệt của chúng tôi", anh giải thích. "Anh thấy đấy, cách chơi bóng của Cameroon rõ ràng không ổn. Các cầu thủ chỉ dám dâng lên nếu họ biết chắc sẽ có người bọc hậu phía sau. Đáng tiếc vào thời điểm ấy, chúng tôi đã không có một huấn luyện viên dám tạo ra một sự khác biệt".

Cameroon bị thủng lưới sớm từ phút 25 nhưng sau đó họ đã ghi liền hai bàn vào phút 61 và 65. Nhưng khi chiến thắng tưởng chừng đã trong tầm tay, hai quả penalty thành công của Gary Lineker đã phá hỏng tất cả. Trùng hợp là cả hai tình huống phạm lỗi của Cameroon khiến họ phải chịu phạt đền đều đến từ các pha chọc khe bên phía Tam sư, một trong những tình huống xử lý ưa thích của Bell chứ không phải N'Kolo.

David De Gea - Từ thánh sống MU thành thánh bóp đội tuyển - Ảnh 4.

Lối chơi ở ĐT Tây Ban Nha là nguyên nhân khiến De Gea nhiều lần trở thành "thánh bóp".

Nói thế mới thấy cách tổ chức lối chơi, đặc biệt là ở hàng thủ ảnh hưởng lớn thế nào đến các thủ môn. Tây Ban Nha có thể không chơi pressing như Pep nhưng sự thật là họ có xu hướng dâng cao đội hình hơn hẳn so với lối chơi Mourinho xây dựng tại MU. Trường hợp của De Gea bây giờ cũng khiến nhà vô địch World Cup 2010 cảm thấy khó xử như Cameroon khi xưa. Anh là một thủ môn xuất chúng nhưng hạn chế trong khả năng chơi chân của De Gea lại là tử huyệt để đối phương khai thác. Dĩ nhiên, De Gea có thể thay đổi, nhưng trước nhất, cứ thuyết phục được Mourinho đồng ý chơi như vậy đã.

Và chắc chắn, câu trả lời là không. Đã có thời khi còn dẫn dắt Porto, Mourinho cũng từng cho đội bóng của mình chơi như vậy nhưng sự thật, danh tiếng của ông được biết tới với lối đá phòng ngự chặt chẽ. Ngay cả Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử MU cũng không được ông thầy Bồ Đào Nha cho phép đá tự do như thời còn ở Juventus. Vì lẽ đó mà không ít lần, nhiều người "thân cận" của Pogba như Henry hay Antonio Conte đều chê khéo Mourinho không biết khai thác tối đa cầu thủ này.

Năm 2016, ban lãnh đạo Quỷ đỏ từng có ý định đưa Pep Guardiola về Old Trafford nhưng thất bại. Vì lẽ đó, họ chuyển hướng sang Mourinho - và như chúng ta đã thấy, City thì ngày một đi lên còn MU vẫn mái lún sâu trong con đường tìm lại thời vàng son của mình.

Với De Gea, đó có lẽ đã là bước ngoặt của sự nghiệp anh. Có thể, anh đã trở thành một thủ môn toàn diện hơn, vừa bắt bóng hay vừa chơi chân giỏi. Cũng có thể, Guardiola đã bán đứt anh như ông từng làm với huyền thoại Joe Hart của City vì cầu thủ này không hợp với chiến thuật của mình. Biết đâu, sẽ chẳng có sự cố máy fax nữa và giờ De Gea lại đang khoác áo Real Madrid.

Nhưng tất cả cũng chỉ là nếu và khái niệm này thì không tồn tại trong thế giới bóng đá. De Gea vẫn là De Gea, vẫn là thánh sống ở câu lạc bộ và đôi khi làm "thánh bóp" ở ĐTQG...