ĐKVĐ World Cup đã có khởi đầu không thể mỹ mãn hơn bằng trận thắng trước tuyển Đức tại "bảng tử thần" của VCK Euro 2020. Hơn hết, đó là một chiến thắng thuyết phục của Pháp, với đầy đủ những chiến thuật đỉnh cao, một hàng tiền vệ hủy diệt và thứ "ma thuật" của Kylian Mbappe.
Tại Euro 2016, ở Marseille, Pháp giành chiến thắng trước Đức với tỷ số 2-0. Lần này, tuy chỉ giành chiến thắng vừa đủ, nhờ pha đá phản lưới nhà của Mats Hummels tại Munich, nhưng cách tuyển Pháp chơi bóng lại có phần già dơ và từ từ "bóp nghẹt" một tuyển Đức trẻ trung.
Công thức chiến thắng của "Les Blues" so với năm 2016 hay 2018 vẫn còn đó. Đó là hình ảnh một tuyển Pháp rất kỷ luật về mặt chiến thuật và phòng ngự, kiểm soát thế trận với bộ ba tiền vệ xuất sắc cùng "nhân tố X" mang tên Kylian Mbappe, người liên tục "xé toang" hàng phòng ngự của đoàn quân HLV Joachim Loew.
Tỷ số 1-0 chưa đủ để phản ánh sự vượt trội của người Pháp trên sân Allianz Arena. Tuyển Đức áp đảo về quyền kiểm soát bóng, số cú sút nhưng thực tế họ chẳng tạo ra áp lực đủ lớn lên hàng phòng ngự của Pháp.
Khả năng chống phản công của tuyển Đức cũng rất có vấn đề. Máy quay đã không biết bao nhiêu lần ghi lại hình ảnh Mbappe tăng tốc loại bỏ cả hàng phòng ngự của "Die Mannschaft".
Nói một cách khách quan hơn, chỉ có may mắn và VAR mới giúp tuyển Đức rời sân với một bàn thua, sau liên tiếp những pha phản công như Adrien Rabiot sút chạm cột dọc hay bàn thắng của Karim Benzema bị từ chối vì lỗi việt vị.
Chúng ta không biết tuyển Đức sẽ mang đến hình ảnh nào tại giải đấu năm nay, sau một kỳ World Cup 2018 "thảm họa". Trong khi đó, cách HLV Didier Deschamps tiếp cận trận đấu đã được dự đoán từ trước. "Gà trống Gaulois" giống như một kẻ săn mồi vậy, luôn chờ đợi "con mồi". Khi "con mồi" đã sa lưới, kẻ săn mồi luôn biết chính xác khi nào cần để tấn công kết liễu.
Để trình diễn một thứ bóng đá như thế, bên cạnh sự sắc bén của hàng công và chắc chắn từ hàng thủ, bạn phải có trong tay hàng tiền vệ đẳng cấp như tuyển Pháp. Đặt lên bàn cân so sánh giữa các đội tuyển, liệu có bộ ba tiền vệ nào đủ sức để so sánh với Paul Pogba - N'Golo Kante - Adrien Rabiot?
Cả ba người có sự nhịp nhàng cần thiết khi thi đấu cạnh nhau. Họ rất giỏi trong mọi việc cần làm, bổ sung cho nhau rất tốt và mỗi người đều thể hiện vai trò của mình một cách hoàn hảo.
Với Pogba phiên bản được thi đấu bên cạnh Kante, tuyển Pháp sở hữu một tiền vệ với kỹ năng chuyền bóng thượng hạng nhất thế giới. Sở dĩ Pogba hay đến thế vì tiền vệ của MU thừa hiểu, anh chẳng cần phải lo lắng chuyện mất bóng bởi đằng sau luôn có N'Golo Kante "dọn dẹp".
Nếu để so sánh với World Cup 2018, khối "kim cương" của HLV Didier Deschamps có phần bóng loáng và lung linh hơn. Họ vẫn giữ được bộ khung trụ cột, và còn được bổ sung thêm ở "đỉnh" một mũi nhọn đẳng cấp như Karim Benzema.
Thông thường, việc đưa bất kỳ một nhân vật mới nào vào một tập thể thành công luôn tạo ra rủi ro. Nhưng đấy không phải là trường hợp của một cá nhân vốn đã quá quen thuộc với việc hòa nhập trong một môi trường toàn sao như Benzema.
Không giống Olivier Giroud, Benzema chính xác là một trung phong hiện đại mà HLV Deschamps nói riêng và tuyển Pháp đã tìm kiếm bấy lâu nay. Sẵn sàng lùi sâu nhận bóng, khả năng độc lập tác chiến khi cần và sự tinh tế trong khâu phát triển bóng là những phẩm chất quý giá mà tiền đạo của Real Madrid mang đến. Được thi đấu cạnh một người ở cùng đẳng cấp như thế, đừng trách tại sao Mbappe có phần "thiên vị" hơn theo lời của Giroud.
Phong độ của tuyển Đức kể từ sau khi vô địch FIFA Confederations Cup năm 2017 là rất ảm đạm. Sau khi bị loại khỏi vòng bảng tại World Cup 2016, HLV Joachim Loew đã thẳng tay loại bỏ những công thần như Hummels, Thomas Muller và Jerome Boateng.
Tuy nhiên, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn trong hai năm sau đó với thất bại 0-6 trước một Tây Ban Nha cũng đang làm cải cách tại UEFA Nations League. Hành trình của "Cỗ xe tăng" ở vòng loại World Cup cũng không hề thuyết phục, với thất bại 1-2 ngay trên sân nhà trước Bắc Macedonia.
Ở tình thế tuyệt vọng tại giải đấu cuối cùng trên cương vị HLV tuyển Đức, Loew đành phải gọi lại Hummels và Muller. Nhưng chỉ sau 20 phút trên sân, thuyền trưởng 61 tuổi hẳn đã ước mình không làm thế.
Thực tế, tuyển Đức vẫn chưa định hình được hệ thống của họ. Sau World Cup 2018, HLV Loew sử dụng sơ đồ 3-4-3 hiện đại hơn với thời cuộc. Tuy nhiên, ông lại chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ vào tháng 11, trước khi lại quay về sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ ở các trận giao hữu trước giải đấu.
Có thể thấy rõ HLV Loew vẫn chưa thể tìm ra cách tối ưu nhất để củng cố một hàng thủ tồn tại rất nhiều điểm yếu của tuyển Đức. Kể từ sau thời đỉnh cao của Hummels & Boateng, người Đức không còn giới thiệu được một trung vệ đẳng cấp nào.
Do đó, chơi với sơ đồ 3-4-3 sẽ giúp các trung vệ phần nào giảm bớt nhiệm vụ xử lý độc lập hơn, nhưng đồng thời cũng lộ ra khoảng trống phía sau các hậu vệ cánh, nhất là với một tập thể vẫn chưa quen với cách vận hành này.
Để giải quyết, HLV Loew đã phải kéo Joshua Kimmich sang trám vào cánh phải. Tuyển Đức tự "bắn vào chân mình", trong khi người Pháp thì "mở cờ trong bụng" với quyết định này.
Ai cũng biết Kimmich là một trong những tiền vệ trụ xuất sắc nhất thế giới, nhưng chỉ có người Đức mới dám hy sinh tiền vệ Bayern một cách phí phạm như vậy. Không có Kimmich, tuyển Đức mất đi một "lá bài tẩy" ở giữa sân có khả năng tạo ra đột biến cao.
Hàng công tuyển Đức thì gần như "vô hình" trước lớp phòng ngự rất kín kẽ của tuyển Pháp. Đập nhả ở trung lộ không thành, "Die Mannschaft" chọn cách tiếp cận khung thành của thủ môn Hugo Lloris bằng những pha treo bóng vào trong. Và ở bên trong, liệu những Muller, Gnabry, Sane hay Kimmich có ước giá như họ sở hữu một Robert Lewandowski để không chiến?
Thất bại ở trận ra quân sẽ buộc tuyển Đức phải giành chiến thắng trước tuyển Bồ Đào Nha nếu muốn đi tiếp ở "bảng tử thần". Trong khi đó, tuyển Pháp đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ sau trận ra quân, một tín hiệu từ ƯCV sáng giá nhất cho chức vô địch.
Bạn nên quan tâm