Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ

PHỤNG HIẾU & ĐỖ LINH , 12:30 11/03/2020 | Hậu trường

Chia sẻ

Nấu ăn cho cầu thủ hiện được coi là một nghệ thuật. Người nấu ăn thì cần được phong thành một nghệ sĩ thực thụ với những gì họ đang làm.

Vào thời điểm mới đến Arsenal, Arsene Wenger được thông báo rằng dàn học trò mới ăn uống rất… hồn nhiên. Ban đầu Wenger không tin, nhưng khi tận mắt chứng kiến họ ngồi nhai nhồm nhoàm thanh socola trong phòng thay đồ, ông thầy người Pháp lập tức ra lệnh cấm loại thực phẩm này.

Khi luật mới được ban hành, một vài gương mặt gạo cội trong đội tỏ ra không mấy hài lòng. Họ rủ nhau ngồi cuối xe trong mỗi lần đi làm khách, hô vang khẩu hiệu: “Hãy trả lại bánh socola cho chúng tôi!”. Sau này vụ việc trở thành một kỷ niệm đẹp được HLV Wenger kể lại với báo chí. Chính ông cũng không ngờ câu chuyện ông kể là bắt nguồn của nhiều thể loại chế độ ăn uống dinh dưỡng cho cầu thủ sau này.

Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ - Ảnh 1.

25 năm sau, mọi thứ hiện rất khác. Các CLB coi việc đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng cho cầu thủ là việc làm thiết thực, hướng đến những màn trình diễn tốt hơn trên sân cỏ. Một số đội bóng giàu có thậm chí còn đưa về những chuyên gia, nhận lãnh nhiệm vụ thiết kế chế độ ăn phù hợp cho các ngôi sao trong đội.

Năm 2016, vào thời điểm HLV Juergen Klopp tới Liverpool, bà Mona Nemmer cũng theo chân ông thầy người Đức. Trước đó, bà Nemmer thuộc biên chế CLB Bayern Munich, có 3 năm kinh nghiệm làm việc dưới trướng HLV Pep Guardiola.

Ngày mới đến, Nemmer lập tức bắt tay vào thiết kế chế độ ăn cho từng cầu thủ Liverpool. Nemmer không chỉ kiểm soát những gì cầu thủ ăn khi đến Melwood luyện tập mà còn đề ra yêu cầu cụ thể cho những bữa ăn ở nhà, hay cả những lúc di chuyển trên xe buýt trong những chuyến làm khách xa Anfield.

“Một số cầu thủ thích tự nấu ăn, số khác đem đồ ăn chuẩn bị sẵn từ nhà. Khi tôi đến, tôi muốn mọi đồ ăn của họ dù được chuẩn bị như thế nào, phải theo chế độ nhất định”, bà Nemmer chia sẻ. “Nếu cầu thủ hoặc vợ, bạn gái của họ muốn tham dự những lớp nấu ăn, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ”.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, bà Nemmer còn in nhiều cuốn sách về dinh dưỡng để ở Melwood cho các cầu thủ đọc.

Chuyện ở Liverpool chỉ là ví dụ cho thấy chế độ ăn của cầu thủ quan trọng đến mức nào. Tại những đội bóng khác, cầu thủ thậm chí còn thuê đầu bếp riêng.

Harry Kane, chân sút số một của tuyển Anh tại World Cup 2018 là ví dụ. Tiền đạo 26 tuổi thuê đầu bếp riêng cách đây một vài năm. “Trong đầu tôi luôn tự nhắc nhở rằng vòng đời của một cầu thủ rất ngắn. Thời gian trôi nhanh nên bạn phải nỗ lực hết sức từng ngày”, Kane nói năm 2017. “Chính vì thế tôi đưa về một đầu bếp riêng để ăn đúng, ăn chuẩn. Thức ăn theo chế độ sẽ giúp tôi hồi phục nhanh hơn”.

“Đầu bếp riêng của tôi làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Vì phải luyện tập liên tục nên chúng tôi không hay gặp nhau, nhưng mọi đồ ăn trong tủ lạnh nhà tôi đều do anh ấy chuẩn bị”.

Những món ăn thường ngày, qua bàn tay của đầu bếp chuyên nghiệp, trở thành công cụ giúp cầu thủ thi đấu tốt và hồi phục nhanh chóng hơn.

Kevin de Bruyne, Ilkay Gundogan, Luke Shaw, Paul Pogba và Phil Jones thuê cùng một đầu bếp riêng, anh Jonny Marsh. Đầu bếp Marsh là học trò của huyền thoại Raymond Blanc. Sau khi tốt nghiệp, Marsh làm việc cho hàng loạt những tỉ phú nổi tiếng trên thế giới, thường xuyên được mời nấu đồ ăn cho những bữa tiệc xa xỉ trên du thuyền lênh đênh trên biển.

Marsh bắt đầu làm việc với các cầu thủ từ thời điểm Manchester City liên hệ, nhờ anh nấu bữa tối cho De Bruyne. Ngôi sao người Bỉ đặc biệt thích ăn carbonara, một loại mỳ Ý khá “béo”. Chính vì thế đầu bếp Marsh phải dành hàng tháng trời để chế ra một công thức làm carbonara đặc biệt, ăn như bình thường nhưng từ nguyên liệu sạch, tốt cho sức khỏe. Nói cách khác, Marsh làm món mỳ nhưng lại không dùng... mỳ.

Sau khi ăn thử, Kevin de Bruyne đặc biệt thích món này. Từ đó món mỳ ý Kevin Carbonara ra đời.

“Khách hàng của tôi rất thích món Kevin Carbonara. Các bạn rồi cũng sẽ vậy nếu ăn thử”, Marsh tự tin chia sẻ với tờ Mirror. “Biến những món ăn không tốt cho sức khỏe trở thành có lợi là một điều không dễ chút nào. Tôi lựa chọn rất nhiều chất chống viêm và chất phục hồi hoàn toàn tự nhiên giúp cầu thủ khỏe mạnh. Tôi đảm bảo cầu thủ thiếu một số hàm lượng chất nhất định có thể ăn uống như bình thường mà không cần kiêng hay bổ sung thêm thứ gì. Tôi làm đồ ăn nhẹ, đồ ăn sáng, thậm chí cả những món ăn tráng miệng để giúp cầu thủ hằng ngày”.

Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ - Ảnh 3.

Kevin Carbonara được Marsh làm cho Kevin de Bruyne.

Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ - Ảnh 4.

“Mỗi đầu tuần tôi hỏi cầu thủ muốn ăn gì. Sau đó tôi sẽ báo lại cho các đầu bếp trong đội của mình, chuẩn bị mọi thứ tươm tất. Thật điên rồ, chúng tôi ngày càng trở nên có tiếng tăm khi mọi người đều muốn ăn giống với những cầu thủ chơi tốt trên sân”.

Marsh xây dựng mối quan hệ khăng khít với các chuyên gia dinh dưỡng của từng đội bóng anh được thuê, như Tom Parry của Manchester City, để đảm bảo chắc chắn thực đơn được thiết kế đúng, riêng theo yêu cầu của từng cầu thủ. Những lời khuyên về dinh dưỡng không phải lúc nào cũng giống nhau. Nó sẽ thay đổi dựa theo tuổi, khả năng trao đổi chất, vị trí của cầu thủ trên sân và cả thói quen khi ăn uống, theo giáo sư Mayur Ranchordas, người đang làm việc với tư cách chuyên viên tư vấn cho các cầu thủ Wolverhampton Wanderers.

“Chúng tôi hằng ngày phải giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa và thói quen ăn uống của từng cầu thủ. Sau khi phân tích xong, chúng tôi tiến hành tạo ra những thực đơn phù hợp với cầu thủ đến từ vùng Địa Trung Hải, cầu thủ Anh hay cầu thủ Nam Mỹ. Để làm được điều này chúng tôi cần những khoản phụ cấp từ CLB”, ông Mayur Ranchordas chia sẻ.

Giáo sư Ranchordas là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với cầu thủ bóng đá. Ông nhận ra thái độ của những ngôi sao thay đổi rất nhiều từ lúc ông mới bắt đầu làm việc đến hiện tại.

“Nhu cầu về dinh dưỡng không còn là dịch vụ như quá khứ. Hiện nó trở thành nhu cầu thiết yếu cho các đội bóng”, ông Ranchordas chia sẻ. “HLV Nuno Espirito Santo sẵn lòng giúp đỡ tôi, miễn là các cầu thủ thi đấu và hồi phục nhanh chóng nhất có thể”.

Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ - Ảnh 5.

“10 năm trước cầu thủ nghe ngóng lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng rất chăm chú, nhưng chưa chắc họ đã học theo. Hiện giờ thì họ nhận ra tầm quan trọng của dinh dưỡng, điều ảnh hưởng trực tiếp đến màn trình diễn, khả năng hồi phục và tránh chấn thương”.

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ khiến công việc của những chuyên gia dinh dưỡng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Họ có thể dễ dàng đo nhịp tim, lượng mỡ thừa trong cơ thể của cầu thủ.

“Tôi liên tục nhận được những số liệu về cầu thủ”, ông Ranchordas chia sẻ. “Ví dụ, khi chúng tôi kiểm tra mẫu máu của họ, chúng tôi có thể biết họ đang thiếu những chất nào. Nhiều cầu thủ cần vitamin D, Omega 3, số khác thì thiếu sắt... Nhờ vậy chúng tôi có thể dễ dàng cung cấp thành phần dinh dưỡng còn thiếu vào khẩu phần ăn của họ”.

Thức ăn cầu thủ tiêu thụ đôi khi còn tùy thuộc vào vị trí của họ trên sân. Những người cần phải thi đấu bao quát trong một khoảng không rộng lớn, như các hậu vệ, tiền vệ con thoi, cần nhiều năng lượng hơn các trung vệ và thủ môn. Chris Rosimus, chuyên gia làm việc với CLB Leicester City và đội tuyển cricket của Anh chia sẻ: “Một cầu thủ cần được nạp đầy đủ năng lượng trước mọi trận đấu, chủ yếu là từ carbohydrate để họ có thể thi đấu bền bỉ trong 90 phút”.

“Điều này không giống các cầu thủ cricket. Bộ môn này không tiêu tốn quá nhiều thể lực. Người chơi cần một lượng calo, sự luân chuyển carbohydrate, chất béo và protein đặc thù”.

Cuộc tiến hóa thần kỳ của vấn đề dinh dưỡng trong bóng đá: Từ những thanh socola cho đến món mỳ Ý không được làm từ... mỳ - Ảnh 6.

“Cầu thủ sẽ ăn khoảng 5 bữa/ngày”, ông Ranchordas tiết lộ. “Họ sẽ ăn sáng trước khi bước vào luyện tập, rồi ăn trưa. Sau buổi tập chiều, họ sử dụng một chút đồ ăn nhẹ, sau đó là bữa tối. Trước khi đi ngủ, cầu thủ sẽ ăn một chút hoa quả. Những món ăn được chia vào từng thời điểm khác nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành quả họ đạt được trên sân”.

Cái này mà toàn đội ăn một món giống nhau đã rất xa rồi. “Khi tôi mới làm việc cùng các cầu thủ bóng đá, tất cả đều xem nhẹ các yếu tố dinh dưỡng”, Rosimus chia sẻ. “Nhưng giờ đây, dù thực phẩm không thay đổi là bao, cách sử dụng khác cũng sẽ thay đổi rất nhiều rồi. Thịt gà, mì Ý vẫn là những món chính, nhưng thời điểm và cách cầu thủ tiêu thụ chúng sẽ tạo ra sự khác biệt”.

Ngoài việc đưa ra những lời khuyên về dinh dưỡng, chuyên gia thường xuyên phải nhắc nhở cầu thủ tránh những món ăn đặc thù, theo ông Ranchodas. “Cách đây vài năm, một cầu thủ đến gặp tôi, kể về chuyện anh ta được một vài người bạn khuyên ăn tinh hoàn của bò đực. Anh ta nghĩ thứ đó giúp tăng lượng testosterone và muốn tôi kiểm tra điều này. Đó quả là một yêu cầu kì quặc nhất tôi từng gặp”.