img

Thế nào là một thiên tài?

"Mọi người đã sai lầm lớn khi cho rằng tài năng nghệ thuật của con sinh ra đã có", nhà soạn nhạc thiên tài Mozart viết trong lá thư gửi cho cha mình, "Không ai đã dành nhiều thời gian và suy nghĩ về âm nhạc nhiều hơn con".

Sự thật là, tuy 7 bản hòa tấu piano đầu tiên của ông được viết từ năm 11 đến 16 tuổi, nhưng nó không quá xuất sắc, thậm chí không nên được gán với thương hiệu Mozart. Phải đến Bản giao hưởng số 29, được năm 21 tuổi mới là tác phẩm có tầm vóc thực sự đầu tiên. Và 3 bản giao hưởng cuối cùng của ông, viết ở tuổi 32, được coi là vĩ đại nhất.

Câu chuyện của Mozart làm rõ một vấn đề, không ai sinh ra đã trở thành thiên tài. Nói cách khác, không có thiên tài bẩm sinh. Để trở thành một tài năng xuất chúng cần trải qua một quá trình dài học hỏi, tập luyện trước khi hóa thân thành một thiên tài.

Nếu còn nghi ngờ về nhận định này, hãy tìm hiểu về siêu sao bóng rổ Michael Jordan. David Halberstam, người viết tiểu sử cho Jordan cũng nói, "Nếu Michael là một loại thiên tài, phải có một vài dấu hiệu về điều đó khi anh ta còn trẻ". Thế nhưng anh ta không phải người chơi giỏi nhất trong nhà, lại còn lười biếng nhất. Đến tận năm thứ hai trung học, khi tham gia trại hè bóng rổ, Jordan không làm nên cơm cháo gì trong khi người bạn Roy Smith lại tỏa sáng.

Chuyện lúc 0h: Không phải thiên tài, Messi thuộc về thế giới khác - Ảnh 1.

Messi là thiên tài kiểu gì?

Tuy nhiên, nếu tư duy theo cách này, thật khó để lý giải trường hợp của Lionel Messi. Theo Aparicio, người thầy đầu tiên của Messi, "có lẽ thằng nhóc biết chơi bóng ngày từ trong bụng mẹ". Bởi, ngay trong lần đầu tiên chơi bóng một cách đúng nghĩa, cậu nhóc 6 tuổi đã khiến ông phải sửng sốt đến mức nói rằng, "chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào chơi như thế trong đời".

Hôm đó Messi chỉ bám càng 2 anh trai tới sân tập của đội bóng địa phương Grandoli và tha thẩn chơi bên ngoài. Vì thiếu người, bà ngoại Messi đã thuyết phục Aparicio đưa cậu nhóc vào sân. "Cũng được, nhưng cho nó chạy gần đường biên thôi để khi nó khóc, bà vào mà lôi nó ra", ông nói.

Nhưng sau đó, chính Aparicio tự nhủ, phải có Messi bằng được trong đội hình và sẽ cho cậu ta ra sân ở mọi trận đấu.

Sau này, dù ở Grandoli, Newell’s Old Boys hay chuyển đến lò La Masia của Barcelona rồi lên đội một, Messi luôn gán với danh xưng thần đồng. Ngay cả khi mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng và trải qua quá trình điều trị dai dẳng, Messi vẫn luôn khiến người ta kinh ngạc.

Messi khi còn là một đứa trẻ. 

Phải chăng Messi được thừa hưởng gen đá bóng từ ai đó? Không phải. Cha anh, Jorge Messi, là trưởng bộ phận tài chính công ty thép trong khi bà mẹ Celia Cuccittini làm việc trong một xưởng sản xuất nam châm. Xa hơn nữa, ông nội anh làm xây dựng còn bà nội là một lao công.

Nếu chúng ta dựa theo luận điểm, thiên tài do rèn luyện, thì lại càng... không đúng cho lắm. Nói về tập luyện, Messi đương nhiên phải rất chăm chỉ, nhưng không chắc đã bằng Cristiano Ronaldo. Anh thậm chí còn có giai đoạn thiếu chăm sóc bản thân, ăn pizza, uống đồ ngọt vô tội vạ trong những năm 2013, 2014 và chỉ đến khi gặp chuyên gia dinh dưỡng Silvia Tremoleda mới nhận thức được tầm quan trọng của chế độ ăn uống.

Vậy mà Messi vẫn cứ chơi hay, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác. Ở tuổi 25 "Bọ chét nhỏ" đã có mọi danh hiệu mà một cầu thủ có thể có, trừ FIFA World Cup. Và đến năm 28, thâu tóm Quả bóng Vàng thứ 5. Mới đây, sau tròn 14 năm, hay 168 tháng, kể từ ngày 01/05/2005 đến ngày 01/05/2019, anh đã ghi tổng cộng 600 bàn thắng, bình quân 42,8 bàn/năm. Ronaldo cũng đã có 600 bàn, nhưng phải cần tới hơn 16 năm, chính xác là 198 tháng.

Chuyện lúc 0h: Không phải thiên tài, Messi thuộc về thế giới khác - Ảnh 3.

Vậy mà sau World Cup 2018, nhiều người tin rằng thời đại của Messi đã kết thúc. Anh không những không suy giảm, mà còn trở nên khủng khiếp hơn.

Cho đến nay M10 đã ghi 48 bàn sau 46 trận, bình quân 1,04 bàn mỗi trận, hiệu suất cao hơn 5 mùa trước đó. Ở trận bán kết lượt đi Champions League mới đây, một tay Messi hạ gục Liverpool để đưa Barca tới cú ăn 3 lần thứ 2 trong lịch sử. Ở tuổi 31, siêu sao người Argentina đang ở phiên bản tốt nhất.

Cũng thật khó để định nghĩa chính xác vai trò của anh ta lúc này. Không phải cầu thủ chạy cánh, tiền đạo cánh, hộ công hay "số 9 ảo". Messi chỉ là Messi, hoàn toàn tự do để di chuyển đến nơi anh ta muốn, hoặc anh ta nghĩ là sẽ khiến đối phương tổn thương. Những gì diễn ra sau đó chứng minh Messi luôn luôn đúng.

Rốt cuộc điều gì đã tạo nên thiên tài Messi? Rất khó để giải thích bởi không có công thức nào cho anh ta. Mọi chuyện chỉ dễ dàng hơn nếu nghĩ rằng Messi thuộc về một thế giới khác, hoặc là một dạng nhân vật kiểu Thanos, có thể khiến tất cả tan tành chỉ với một cái búng… chân.

Có lẽ vậy. Và bạn nên tin là vậy. Không gì có thể ngăn cản Messi. Cũng không gì làm khó được Messi.

Chuyện lúc 0h: Không phải thiên tài, Messi thuộc về thế giới khác - Ảnh 4.