Chuyện ít ai ngờ, một người Manchester United từng cứu Barca khỏi nguy cơ phá sản

Thanh Đình , 09:52 05/04/2019 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Vào đêm thứ Tư tới, Barca sẽ có mặt ở Manchester để chơi trận lượt đi tứ kết Champions League. Với một số người hâm mộ nhiều tuổi và am hiểu lịch sử, đây còn là dịp để nhớ về vị cứu tinh của họ, vốn là một cầu thủ MU.

Trước khi trở thành một trong những CLB lớn nhất thế giới, cũng là đội bóng đầu tiên đạt doanh thu tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái, Barcelona suýt bị xóa sổ. Đó là vào giữa những năm 1930, đội bóng xứ Catalan không còn kinh phí hoạt động và đứng trước bờ vực phá sản.

Thật may là nó đã không xảy ra để lịch sử rẽ sang hướng khác. Và vị anh hùng đã ngăn cản viễn cảnh đen tối ấy là Patrick O’Connell.

Vậy ông ta là ai? Trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, O’Connell, một người CH Ireland, làm việc ở tiệm bánh ngọt và chỉ chơi bóng vào những khi rảnh rỗi. Bằng tài năng của mình, ông kiếm được hợp đồng với Belfast Celtic vào năm 1905. Rồi chẳng bao lâu sau, các CLB lớn ở nước Anh bắt đầu chú ý đến trung vệ cao lớn từng đeo băng đội trưởng CH Ireland và đăng quang giải Vô địch Vương quốc Anh bất chấp cánh tay bị gãy.

Patrick O'Connell (giữa, đội mũ) từng khoác áo Mu trước Thế chiến I.

Năm 1914, 5 năm sau khi chơi cho Sheffield Wednesday và Hull City, O’Connell chuyển sang khoác áo MU với mức giá 1.000 bảng, rất cao thời điểm đó. Ông được kỳ vọng sẽ giúp cưỡng lại quá trình suy tàn của nhà vô địch nước Anh.

Thế nhưng chỉ 3 tháng sau, Thế chiến thứ Nhất nổ ra. Chiến tranh không ngừng leo thang và cuốn ngày càng nhiều người tham gia khiến người ta lo ngại bóng đá khó có thể tiếp tục. O’Connell, nay là người CH Ireland đầu tiên đeo băng thủ quân Quỷ đỏ, cùng các đồng đội cũng chung suy nghĩ đó. Họ sợ rằng đây sẽ là mùa giải cuối cùng và cả đám sớm rơi vào cảnh thất nghiệp. Vậy thì trước khi tai họa xảy đến, cách tốt nhất là kiếm một khoản kha khá.

Trong trận cuối cùng của mùa giải 1914/15, MU đụng độ kình địch Liverpool với nhiệm vụ rất khó: phải thắng để trụ hạng. Vậy mà họ thắng thật, với tỷ số 2-0.

Chuyện ít ai ngờ, một người Manchester United từng cứu Barca khỏi nguy cơ phá sản - Ảnh 2.

Patrick O'Connell cùng các đồng đội.

Người ta lập tức phát hiện thấy, trước đó có một lượng tiền lớn đổ vào kết quả 2-0, với tỷ lệ cược 7/1 (đặt 1 ăn 7). Một cuộc điều tra được tổ chức đã đi đến kết luận: cầu thủ hai đội đã bắt tay nhau để dàn xếp tỷ số, nhằm thu lợi từ nhà cái. Hệ quả là 3 cầu thủ MU cùng 4 cầu thủ Liverpool bị cấm thi đấu suốt đời. Riêng O’Connell, vốn là một con bạc khét tiếng, lại thoát tội.

Hiệp hội bóng đá Anh (FA) đã tin O’Connell vô tội bởi trong trận đấu đó, khi tỷ số là 1-0, ông ta đá hỏng một quả phạt đền. Nếu tham gia vào đường dây dàn xếp tỷ số, chẳng có lý do gì để O’Connell bỏ lỡ cơ hội bằng vàng ấn định kết quả 2-0. Nhưng một số thạo tin thì cho rằng, thật ra ông ta cố tình làm thế để cho trận đấu giống thật hơn, chứ không phải bán độ.

Bất kể sự thật thế nào O’Connell cũng không chơi thêm trận nào cho MU vì chiến tranh để làm việc trong một nhà máy sản xuất đạn dược ở London, dù vẫn thuộc biên chế Quỷ đỏ đến tận năm 1919. Khi Thế chiến I kết thúc, ông duy trì sự nghiệp cầu thủ tại quê nhà thêm vài năm rồi chuyển sang vai trò huấn luyện, chủ yếu ở Tây Ban Nha.

Và nó thành công đến mức đội bóng từng được O’Connell đưa tới ngôi vô địch La Liga mùa 1934/35 là Real Betis đã dựng tượng ông vào năm 2017. O’Connell là người hùng của Betis. Còn với Barca, ông được coi là vị cứu tinh trong cuộc giải cứu CLB khỏi nguy cơ giải thể đã đề cập.

Chuyện ít ai ngờ, một người Manchester United từng cứu Barca khỏi nguy cơ phá sản - Ảnh 3.

Tượng Patrick O'Connell tại Real Betis.

Giống như thời khoác áo MU, O’Connell trở thành HLV Barca (năm 1935) đúng vào lúc cuộc nội chiến Tây Ban Nha sắp nổ ra. Với tình hình kinh tế và chính trị ngày một tồi tệ, Barca phải vật lộn để duy trì hoạt động.

Đến khi cuộc chiến bùng nổ năm 1936, những người nước ngoài được cho phép hồi hương, bao gồm cả O’Connell. Nhưng ông quyết định ở lại, ngay cả khi đội bóng không thể trả lương và Chủ tịch Josep Sunyol bị bắt, rồi giết chết bởi lực lượng chính trị đối lập. Dưới sự chèo lái của ông, Barca vẫn chơi các giải đấu địa phương và giành chiến thắng.

Tuy nhiên tình thế mỗi lúc một ngặt nghèo. Barca thực sự kiệt quệ và tiến gần tới sự phá sản. Đúng vào lúc đó, một doanh nhân người Catalan di cư đến Mexico đã ngỏ ý mời CLB tới đó du đấu. O’Connell đồng tình với ý tưởng đó trong sự hoài nghi của Ban lãnh đạo. Rồi ông cùng các cầu thủ đi tàu thủy đến Mexico, chơi 6 trận giao hữu, và tiếp tục thi đấu 4 trận khác ở New York.

Chương trình tri ân Patrick O'Connell của những người Tây Ban Nha.

Chuyến đi khiến Barca phải trả giá bởi hầu hết cầu thủ trốn lại Mexico hoặc tìm đường sang Pháp. Chỉ có 4 người cùng O’Connell trở về Barcelona. Nhưng đổi lại, đã thu về một khoản kếch xù, giúp đội bóng trang trải nợ nần và sống sót qua những năm tháng khó khăn.

Khoảng thời gian sau đó không quá tốt đẹp với O’Connell. Ông có một vài cuộc phiêu lưu ngắn hạn ở các đội bóng Tây Ban Nha rồi chuyển đến London, sống trong căn phòng gác mái của anh trai và tồn tại nhờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp, cuối cùng qua đời năm 1959 vì viêm phổi, trong nghèo khổ và sự lãng quên.

Tuy vậy di sản mà O’Connell để lại Barcelona vẫn còn đó. Không hề quá khi nói rằng nếu không có ông sẽ không có Nou Camp và 5 Cúp châu Âu, cũng không có La Masia và Lionel Messi. Cựu đội trưởng MU sẽ còn được nhớ mãi với tư cách vị cứu tinh của đội bóng xứ Catalan.