Câu chuyện về bàn thắng vàng và trận đấu dị nhất lịch sử bóng đá

10 sự thật thú vị , 11:19 16/01/2019 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Ban tổ chức giải Caribbean Cup 1994 hứng lên và quyết định rằng bàn thắng vàng sẽ được tính là 2 điểm thay vì 1 điểm như thông thường. Điều này đã tạo nên một trận đấu oái oăm nhất lịch sử bóng đá.

Hẳn là ai cũng quen thuộc với luật bóng đá: hai đội bóng sẽ phải bảo vệ khung thành của mình và cố gắng đá bóng vào lưới của đối phương. Đây là ý tưởng căn bản nhất trong môn thể thao vua, ấy vậy mà đã từng có một trận đấu trong đó một đội đã phải tự đá vào lưới nhà để có cơ hội chiến thắng và đi tiếp.

Trước đây, trong bóng đá có luật bàn thắng vàng. Đó là khi hai đội chơi hết thời gian chính thức với một kết quả hòa thì sẽ phải chơi thêm hiệp phụ. Trong thời gian hiệp phụ, cứ đội nào ghi bàn trước thì trận đấu sẽ lập tức được dừng lại, và đội ghi bàn sẽ giành được chiến thắng. Đây là một luật khá đơn giản dễ hiểu, cho tới khi ban tổ chức giải Caribbean Cup 1994 hứng lên và quyết định rằng bàn thắng vàng sẽ được tính là 2 điểm thay vì 1 điểm như thông thường.

Câu chuyện về bàn thắng vàng và trận đấu dị nhất lịch sử bóng đá - Ảnh 1.

Vào ngày 27/1/1994, đội tuyển quốc gia Barbados phải đối mặt trước đội tuyển quốc gia Grenada trong lượt trận cuối cùng của vòng loại. Trước đó, Barbados đã để thua 0-1 trên sân nhà khi gặp đội còn lại trong bảng là Puerto Rico. Còn Grenada đã đánh bại Puerto Rico với tỷ số 2-0. Như vậy, trước trận đấu cuối này, Barbados đứng bét bảng với hiệu số bàn thắng là -1, còn Grenada đứng nhất bảng với hiệu số là +2. Muốn đạt vị trí nhất bảng để đi tiếp thì tuyển Barbados buộc phải thắng trước Grenada với một cách biệt 2 bàn.

Mọi chuyện tưởng chừng rất suôn sẻ đối với các chàng trai Barbados khi họ sớm có 2 bàn thắng cần thiết vào lưới Grenada. Tuy nhiên, tới phút 83 của trận đấu, Grenada đã nỗ lực ghi được một bàn vào lưới Barbados. Bàn thua muộn màng này đã đặt Barbados vào tình thế vô cùng khó khăn: họ phải ghi thêm được một bàn vào lưới đối phương trong ít phút còn lại, hoặc... nghĩ ra một chiến thuật khác: họ có thể tự đá phản lưới nhà để san bằng tỷ số và đánh cược vào bàn thắng vàng ở hiệp phụ, thứ mà với luật của giải này sẽ mang lại cho họ 2 điểm cách biệt cần thiết.

Tới phút 87 của trận đấu, toàn bộ các cầu thủ Barbados dừng tấn công, và hậu vệ Terry Sealey cùng với thủ môn Horace Stoute cứ đứng thản nhiên chuyền bóng trước cầu môn trước khi Sealey cố tình đá bóng vào lưới nhà. Các cầu thủ Grenada nhanh chóng nhận ra ý đồ của Barbados, và giờ thì họ cũng bị đặt vào một tình thế oái oăm: Grenada cần ghi bàn vào bất kỳ lưới nào trong những phút ít ỏi còn lại của trận đấu để nắm chắc quyền đi tiếp. Vậy là những phút cuối trận đấu này đã chứng kiến một thế trận có 1-0-2 trong lịch sử bóng đá: một đội phải bảo vệ cả hai khung thành, trong khi đội còn lại thì nỗ lực đá bóng vào bất kỳ lưới nào.

Barbados sẽ là đội phải bảo vệ cả hai khung thành để tránh việc Grenada sẽ ghi bàn hoặc phản lưới, bởi nếu Grenada để thua với cách biệt 1 bàn thì họ vẫn sẽ đi tiếp. Trong khi đó Barbados buộc phải bảo vệ mảnh lưới để chờ đợi vào hiệp phụ, nơi mà họ có thể ghi bàn thắng vàng và được cộng 2 điểm.

Kết cục của trận đấu: Barbados giành chiến thắng với một bàn thắng vàng, có được tỷ số chung cuộc là 4-2 để đi tiếp, còn James Clarkson, huấn luyện viên của đội Grenada, thì vò đầu bứt tai trong buổi họp báo: "Tôi cảm thấy bị chơi xấu. Người nghĩ ra luật này là một ứng cử viên sáng giá để cho vào trại tâm thần. Trận đấu không nên diễn ra với các cầu thủ chạy lung tung trong sân chẳng biết phải làm gì. Các cầu thủ của chúng tôi không hiểu nổi là phải tấn công về hướng nào: lưới nhà hay lưới đối phương. Tôi chưa từng thấy chuyện này xảy ra bao giờ. Trong bóng đá, bạn phải đá bóng vào lưới đối phương để chiến thắng, chứ không phải tự đá vào lưới mình như vậy."

Nguồn: 10 sự thật thú vị