Cái kết buồn cho tài năng nhập tịch Việt Nam: Từ kỷ lục gia đến kẻ ảo tưởng, từng van xin đừng gọi mình bằng tên tiếng Việt

HIẾU LƯƠNG , 23:15 03/04/2020 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Cựu thủ môn Phan Văn Santos đáng lẽ đã có thể trở thành huyền thoại bóng đá ở dải đất hình chữ S nếu không rơi vào hố sâu của sự lười biếng.

"Xin đừng gọi tôi là Phan Văn..."

Câu nói chua chát ấy của thủ môn người Brazil được báo chí nhắc đến lần đầu tiên từ 11 năm trước, không lâu sau khi anh được nhập quốc tịch Việt Nam. Nguyên văn câu ấy nói như thế này: "Xin đừng gọi tôi là Phan Văn Santos nữa. Hay gọi tôi là Fabio dos Santos".

Câu nói ấy có thể gây ngỡ ngàng, gây phẫn nộ nhưng nhìn lại quá khứ của thủ môn sinh năm 1977, đấy như được xem là sự thừa nhận sai làm cho một quyết định vốn không hề đơn giản.

Cái kết buồn cho tài năng nhập tịch Việt Nam: Từ kỷ lục gia đến kẻ ảo tưởng, từng van xin đừng gọi mình bằng tên tiếng Việt - Ảnh 1.

Phan Văn Santos (phải) từng được gọi lên đội tuyển Việt Nam vào năm 2008 dưới thời HLV Calisto. Ảnh: Q.M.

Sau hai chức vô địch V.League 2005 và 2006 trong màu Đồng Tâm Long An (nay là CLB Long An), Santos được xem như thủ môn xuất sắc nhất đang thi đấu ở Việt Nam. Với chiều cao 1m98, Santos chính xác là "gã khổng lồ" ở khung gỗ. Chưa hết, anh còn sở hữu khả năng sút phạt thiện nghệ, từ đấy trở thành một nét riêng đặc sắc ở sân chơi V.League.

Đến năm 2007, sau 7 năm thi đấu ở Việt Nam, Santos đi đến quyết định đặc biệt: nhập tịch. Anh lấy họ và tên đệm Phan Văn cho giống hai anh em rất nổi tiếng của bóng đá Long An là Phan Văn Tài Em và Phan Văn Giàu. Quyết định ấy còn để mở đường cho anh được thực hiện một ước mơ: thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Santos trở thành công dân Việt Nam. Phan Văn Santos thì được đặt chỗ ở vị trí số 1 trong khung thành của ĐTQG dưới thời HLV Henrique Calisto, hướng đến AFF Cup 2008. Mọi thứ suôn sẻ cho đến ngày anh khoác áo đội tuyển Việt Nam đối đầu với Olympic Brazil, đội tuyển quê hương, trên SVĐ Mỹ Đình.

Thủ môn sinh năm 1977 không biết vô tình hay cố ý đã hát trọn vẹn quốc ca Brazil. Sự việc trở thành một nốt đen trong sự nghiệp của Santos. Không chỉ báo chí, những cơ quan cao hơn cũng phải để mắt tới anh. Đây cũng được xem là sự việc khiến quy định nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài hiện nay được siết chặt hơn trước. Cánh cửa lên đội tuyển quốc gia cũng không còn dễ dàng.

Thế nhưng, sự kiện ấy chỉ là 1 nốt trầm của Santos. Vấn đề thật sự của anh lại nằm ở thái độ thiếu chuyên nghiệp và cả sự lười biếng.

Lối sống buông thả khiến Phan Văn Santos đánh mất mình ở giai đoạn cuối sự nghiệp. Ảnh: Q.M - Tuấn Tú.

Anh bị loại khỏi đội tuyển Việt Nam vì những sai lầm ngớ ngẩn cùng một số hành động thiếu kỷ luật bị phanh phui. CLB Đồng Tâm Long An cũng chia tay người được xem là công thần vì những lý do tương tự. Lần lượt qua Navibank Sài Gòn (đã giải thể), CLB Bình Dương, Santos đều được kỳ vọng nhưng lại gây thất vọng tột độ, bị đày ải trên băng ghế dự bị và chia tay không kèn không trống.

Khi ấy, tính cách Santos được cho là "không ai chịu nổi". Anh vẫn quá ảo tưởng vào tài năng và danh tiếng của bản thân mà trở nên lười biếng. Có thời điểm, Santos nặng tới 120 kg, tăng hơn 25 kg so với cân nặng bình thường.

Từ một ngoại binh chất lượng, nhận lương 15.000 USD/tháng (khoảng 335 triệu đồng), Santos trượt dài khi đang ở sự nghiệp đỉnh cao. Năm 2014, anh chính thức giải nghệ ở tuổi 37, kết thúc đời cầu thủ trên mảnh đất Việt Nam bằng nhiều năm buồn bã cuối sự nghiệp.

Kỷ lục gần như không thể phá bỏ

Ngoài hai chức vô địch V.League, tài năng sút phạt của Santos mới là điều khiến anh được nhớ đến nhiều nhất ở Việt Nam. Ở Việt Nam, một thủ môn sút phạt giỏi, một thủ môn biết ghi bàn thì chỉ có thể là Phan Văn Santos. Chất "dị" của thủ môn Nam Mỹ hội tụ trong con người anh.

Trong suốt sự nghiệp thi đấu ở Việt Nam, Santos ghi được tổng cộng 20 bàn thắng đều là sút phạt. Thành tích ấy đưa anh lọt top 20 thủ môn ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Thành tích ấy có lẽ sẽ nằm im trên đỉnh cao và chưa biết đến khi nào mới có một thủ môn ở Việt Nam phá đổ.

Cái kết buồn cho tài năng nhập tịch Việt Nam: Từ kỷ lục gia đến kẻ ảo tưởng, từng van xin đừng gọi mình bằng tên tiếng Việt - Ảnh 3.

Phan Văn Santos vẫn đang nắm giữ hai kỷ lục vô tiền khoán hậu của bóng đá Việt Nam và châu Á. Ảnh: SGGP.

Chưa dừng lại ở đó, Santos còn ghi dấu ấn ở đấu trường châu lục vào năm 2006. Anh ghi bàn vào lưới Thượng Hải Thân Hoa tại AFC Champions League năm đó bằng một cú sút phạt ở cự ly khoảng 22m. Bàn thắng ấy biến anh trở thành thủ môn đầu tiên và cũng là duy nhất ghi bàn trong lịch sử 20 năm của giải đấu danh giá nhất châu Á cấp CLB.

Những thành tích trên của Phan Văn Santos rất đáng được trân trọng. Càng ấn tượng, càng trân trọng bao nhiêu, người hâm mộ Việt Nam càng nuối tiếc bấy nhiêu khi anh vấp ngã ở cuối sự nghiệp.

Nếu Santos chăm chỉ, đầu tư vào chuyên môn đến cùng, anh đã có thể trở thành một HLV thủ môn chất lượng, có thể đóng góp nhiều hơn cho bóng đá Việt Nam thay vì làm việc ở một Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở TPHCM.

Tiểu sử Phan Văn Santos

- Tên thật: Fabio dos Santos

- Năm sinh: 1977

- Quốc tịch: Brazil - Nhập tịch Việt Nam ngày 25/12/2007

- Chiều cao: 1m98 – Cân nặng: 100 kg.

- Các CLB trong sự nghiệp: Vasco da Gama (1997 – 1998), Barreira (1999), Campo Grande (2000), Long An (2001 – 2010), Navibank Sài Gòn (2011 – 2012), Bình Dương (2013), An Giang (2014).

- Thành tích nổi bật: Vô địch V.League 2005 – 2006.