Bước chạy đà hoàn hảo có đem lại "tác dụng phụ" cho Olympic Việt Nam?

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG , 18:59 08/08/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Olympic Việt Nam đã có bước chạy đà hoàn hảo trước ASIAD 18 khi vô địch giải đấu Tứ hùng với thành tích bất bại. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm hân hoan và kì vọng, sẽ có người nhớ về những lần "thử kêu, đốt xịt" với một sự thật trọng nhất định.

Những bài học từ quá khứ

U23 Việt Nam mới đây đã giành chức vô địch tại giải giao hữu cúp Tứ hùng U23 với thành tích rất thuyết phục. Thầy trò HLV Park Hang-seo lội ngược dòng trước U23 Palestine ở trận mở màn. Sau đó 2 ngày, đường cong tuyệt mỹ mà Văn Hậu tạo ra đã đem về 3 điểm trọn vẹn cho U23 Việt Nam ở những phút cuối cùng. Và ngày hôm qua, các chàng trai của chúng ta đã hoàn tất một giải đấu với trận hòa trước U23 Uzbekistan. Điểm nhấn chính là siêu phẩm của Phan Văn Đức ở những phút cuối cùng.

Có thể nói các cầu thủ mà HLV Park Hang-seo lựa chọn để đưa sang Indonesia đều đang có phong độ rất tốt. Tuy nhiên, việc giúp họ duy trì cảm hứng và giữ được phong độ đến khi ASIAD khởi tranh là một chuyện hoàn toàn khác.

Bước chạy đà hoàn hảo có đem lại tác dụng phụ cho Olympic Việt Nam?   - Ảnh 1.

Công Phượng và các đồng đội từng bị loại cay đắng tại SEA Games 29 dù đã có bước chạy đà tốt. Ảnh: VFF

Thực tế, trong quá khứ đã rất nhiều lần bóng đá Việt rơi vào cảnh ngộ "thử kêu đốt xịt". Gần đây nhất là việc U22 Việt Nam của HLV Hữu Thắng bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games, dù trước đó cả đội đã có sự chuẩn bị rất tốt khi vượt qua vòng loại U23 Châu Á. Xa hơn nữa đó là những thất bại dưới thời các HLV Miura và Phan Thanh Hùng. ĐTQG và U23 Việt Nam đều chơi hay ở các trận giao hữu, khiến NHM rất kì vọng nhưng khi vào giải đấu chính lại để hụt hơi một cách khó hiểu.

Sự kì vọng quá lớn liệu có trở thành liều thuốc độc?

Thời điểm HLV Park Hang-seo đến với Việt Nam là lúc niềm tin của NHM đang chạm đáy sau thất bại đáng xấu hổ của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Dù đã có một giải đấu M150 khá thành công trên đất Thái Lan nhưng Công Phượng cùng các đồng đội vẫn không nhận được quá nhiều sự chú ý khi sang Thường Châu dự VCK U23 Châu Á. Trong mắt nhiều người đó chỉ là giải đấu mang tính chất "cọ xát, học hỏi là chính", đồng thời giúp vị HLV xa lạ người Hàn Quốc làm quen với các cầu thủ. Vì thế, chắc chắn áp lực khi ấy đối với HLV Park Hang-seo không nhiều như thời điểm hiện tại.

Bước chạy đà hoàn hảo có đem lại tác dụng phụ cho Olympic Việt Nam?   - Ảnh 2.

Olympic Việt Nam hiện tại chưa phải là đội bóng hoàn hảo để thi đấu tại ASADI 18.

Trong những ngày gần đây, bất kì buổi tập nào của Olympic Việt Nam đều có rất đông phóng viên và NHM đến theo dõi các cầu thủ, dù là ở Hưng Yên hay Hà Nội. Không những vậy, các hoạt động bên lề của cầu thủ cũng được theo dõi một cách sát sao. Đây là một hình ảnh khá "xa xỉ" ở thời điểm trước VCK U23 Châu Á. Có những ngày thầy trò HLV Park Hang-seo không cần ra lệnh đóng cửa mà vẫn được "tập kín" một cách thoải mái.

Trong buổi họp báo sau trận đấu với U23 Oman, HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận: "So với thời điểm khi tôi mới đến Việt Nam, sự kì vọng của NHM đã tăng lên rất nhiều sau thành công tại VCK U23 Châu Á. Tôi hiểu điều này và cảm thấy có gánh nặng về mặt tâm lý. Mỗi ngày, mỗi ngày tôi thức dậy đều tự nhủ rằng mình phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của người dân Việt Nam".

Bước chạy đà hoàn hảo có đem lại tác dụng phụ cho Olympic Việt Nam?   - Ảnh 3.

HLV Park Hang-seo còn rất nhiều việc phải làm với Olympic Việt Nam trước khi ASIAD khởi tranh.

Bênh cạnh sự so sánh với thành công trên đất Thường Châu hồi đầu năm, Olympic Việt Nam còn phải đối mặt với thành tích tại ASIAD trong quá khứ. Ở kì đại hội thể thao châu Á 2014, HLV Miura đã đưa cái tên Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng 1/8 của môn bóng đá nam. Với những gì đang có trong tay hiện tại, tất nhiên người ta có quyền đòi hỏi "ngài ngủ gật" làm được nhiều hơn thế.

Việc cần thiết nhất với các cầu thủ hiện tại là làm sao để giữ đôi chân của mình trên mặt đất. Các đối thủ tại giải giao hữu Tứ hùng vừa qua cũng khác hoàn toàn so với những thử thách đang chờ đợi chúng ta tại Indonesia. Được biết, Oman và Uzbekistan chỉ cử các cầu thủ trẻ sang thi đấu với mục tiêu chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo 2022.

Bước chạy đà hoàn hảo có đem lại tác dụng phụ cho Olympic Việt Nam?   - Ảnh 4.

U23 Uzbekistan không mang sang Việt Nam những cái tên tốt nhất

Dẫu sao cũng hy vọng toàn bộ các thành viên của Olympic Việt Nam có thể "chân cứng đá mềm" vượt qua tất cả mọi áp lực thể hiện được thứ ý chí sắt đá trên đất Thường Châu để có thể khiến người dân cả nước tự hào thêm lần nữa.